Việc ông Kim Jong Un tiến hành vụ thử vũ khí mà các nhà phân tích nói có thể là tên lửa hành trình hoặc dẫn đường tầm ngắn mới cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đang quay trở lại con đường hăm dọa trong lúc ông tìm cách chấm dứt các lệnh trừng phạt vốn đã làm đảo lộn hy vọng vực dậy nền kinh tế đất nước.
Đối diện với sức ép trong nước vì không đạt được thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Việt Nam, ông Kim đang chật vật giành lại lợi thế đàm phán với Mỹ mà không làm người đứng đầu Nhà Trắng cảm thấy bị khiêu khích, theo các nhà phân tích.
Thay đổi chiến thuật
Tuần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tăng áp lực lên ông Trump bằng cách đến thăm các đơn vị quân đội và các cơ sở vũ khí, việc mà ông thường hạn chế làm trong lúc tiến hành các nỗ lực ngoại giao với Washington.
Kể từ cuộc gặp tại Việt Nam, ông Kim đã lên tiếng về những nghi ngại trong việc đối phó với ông Trump hoặc với Tổng thống Moon Jae In của Hàn Quốc, người đã nổi lên với vai trò trung gian giữa ông Kim và ông Trump.
Trong một phát biểu hiếm hoi về chính sách tuần trước, ông Kim nói với người dân rằng đừng mong chờ các lệnh trừng phạt sẽ sớm được nới lỏng và hãy tự chuẩn bị cho cuộc đấu tranh "lâu dài" với Mỹ. Song ông cũng nói rằng sẽ cân nhắc gặp lại ông Trump nếu Washington đưa ra một thỏa thuận mới mà ông có thể chấp nhận vào cuối năm nay.
Ông Kim Jong Un thăm một sân bay quân sự hôm 16/4. Ảnh: KCNA/AP. |
Chuyến thăm hôm 16/4 của ông tại một sân bay quân sự - nơi ông theo dõi các phi công của không quân lái máy bay chiến đấu MiG do Nga sản xuất - đã thu hút sự chú ý dành cho lực lượng vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt, khi các máy bay chiến đấu phải "đắp chiếu" vì thiếu nhiên liệu. Trong những gì các nhà phân tích gọi là màn biểu diễn thể hiện sự kiên cường trước các lệnh trừng phạt, truyền thông Triều Tiên công bố những tấm ảnh máy bay chiến đấu gầm rú trong khi ông Kim theo dõi.
Song việc ông Kim xuất hiện tại một vụ thử nghiệm "vũ khí dẫn đường chiến thuật loại mới", được công bố hôm 18/4, mới chính là tín hiệu rõ ràng nhất cho Washington rằng chiến thuật của Triều Tiên đang trở nên cứng rắn.
Các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản từ chối bình luận về loại vũ khí mà Triều Tiên thử nghiệm, nói rằng họ vẫn đang phân tích dữ liệu. Tên lửa này có tầm bay ngắn, bay thấp đến mức nó không bị radar của Bộ chỉ huy phương Bắc của quân đội Mỹ phát hiện, theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc.
Vũ khí này rất có thể là một tên lửa dẫn đường tầm ngắn, như tên lửa Spike do Israel sản xuất, bay thấp và thường chỉ bay trong khoảng cách rất ngắn, theo Shin Jong Woo, chuyên gia vũ khí tại Diễn đàn Quốc phòng Hàn Quốc, mạng lưới các nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Seoul.
"Đây là một phần trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm cải thiện các hệ thống vũ khí thông thường cũ kỹ của họ, vì giờ họ đã hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân", ông nói.
Song Kim Dong Yub, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông Kyungnam tại Seoul, nói vũ khí mới này rõ ràng là một tên lửa hành trình tầm ngắn.
"Rất có khả năng đó là tên lửa hành trình tầm ngắn có thể chuyển đổi thành tên lửa đất đối đất, không đối đất và hạm đối hạm", ông Kim nói, lưu ý rằng Triều Tiên cho biết vụ thử "được tiến hành ở nhiều chế độ bắn khác nhau nhắm vào các mục tiêu khác nhau".
Triều Tiên muốn gì?
Vụ thử nghiệm vũ khí mới nhất của Triều Tiên đã làm nổi bật sự nhạy cảm xung quanh việc đối đầu với kho vũ khí tên lửa đồ sộ của Triều Tiên. Trong khi Washington đang bận tâm với nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gắn đầu đạn hạt nhân, thì Hàn Quốc và Nhật Bản lo lắng nhiều hơn về các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Bình Nhưỡng. Những tên lửa này cũng nhắm vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực, nơi đóng vai trò là bệ phóng cho quân tiếp viện của Mỹ nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Shin Won Sik, một tướng ba sao đã nghỉ hưu ở Seoul, cho biết Triều Tiên chưa bao giờ ngừng cố gắng cải thiện độ chính xác của các tên lửa tầm ngắn, dù ông Kim tiến hành hòa đàm với ông Trump.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên trong một cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc họp báo tại Seoul hôm 18/4, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc đã né tránh những câu hỏi dồn dập từ các nhà báo đang tìm kiếm thêm thông tin. Tương tự, các quan chức Nhật Bản cũng miễn cưỡng bình luận về diễn biến mới.
Triều Tiên đã tiến hành vụ thử vũ khí lớn cuối cùng vào tháng 11/2017, khi họ phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Song ông Kim sau đó đã tuyên bố sẽ tạm ngừng thử vũ khí hạt nhân và ICBM.
Bằng cách thử nghiệm vũ khí chiến thuật tầm ngắn, Triều Tiên đang tiến hành một "canh bạc" thận trọng, theo các nhà phân tích. Ông Kim có thể tăng sức ép lên Washington bằng một vụ thử như vậy nhưng vẫn có thể tuyên bố rằng ông không nuốt lời về việc tạm ngừng thử vũ khí.
Karl Dewey, nhà phân tích cao cấp tại hãng tư vấn tình báo Jane's, nói rằng việc Triều Tiên "nhấn mạnh vào bản chất chiến thuật của vũ khí chủ yếu là nhắm vào người dân trong nước, thay vì báo hiệu sự thay đổi trong cách tiếp cận chiến lược của Triều Tiên về việc đàm phán với Mỹ".
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho biết vụ thử là tín hiệu đáng lo ngại nhắm vào Washington.
"Đó là thông điệp từ Kim Jong Un, rằng ông không còn tin tưởng Tổng thống Trump hay ông Moon Jae In nữa, và ông đã sẵn sàng đi theo con đường của mình", Lee Byong Chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, cho biết. "Ông ấy đang cho thấy rằng Triều Tiên sẽ không oằn mình gánh chịu hoặc thỏa hiệp do áp lực của Mỹ. Đây có thể là bước đi đầu tiên của ông Kim để làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".
Trung Quốc không phải lựa chọn duy nhất
Vụ thử nghiệm của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh có tin về việc ông Kim dự định gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga vào tuần tới. Trong một tuyên bố ngắn gọn hôm 18/4, Điện Kremlin nói hai người sẽ gặp nhau trong tháng này, không đưa ra ngày cụ thể.
Triều Tiên dựa vào Trung Quốc và Nga, hai nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, để chống lại nỗ lực của Mỹ trong việc đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng. Cả Trung Quốc và Nga cũng tiếp nhận hàng chục nghìn lao động Triều Tiên, nguồn quan trọng mang lại ngoại tệ cần thiết cho nước này. Một báo cáo của ủy ban trừng phạt Liên Hợp Quốc đã cáo buộc các thực thể của Nga có liên quan đến việc chuyển dầu và than bất hợp pháp để giúp Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt.
Ông Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh tháng 6/2018. Ảnh: AFP. |
Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc trong hơn 93% giao dịch với nước ngoài. Song với việc Bắc Kinh sa lầy trong cuộc chiến thương mại với Washington, Triều Tiên có thể cần sự giúp đỡ của Nga hơn bao giờ hết để có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt, theo các nhà phân tích.
"Ông Kim không muốn để tất cả trứng vào giỏ Trung Quốc vì kinh tế của Triều Tiên phụ thuộc lớn vào nước này", David Kim, nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết qua email. "Kim Jong Un muốn cho Mỹ thấy rằng Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất của họ".
Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự bực tức trong việc đối phó với Mỹ, Triều Tiên hôm 18/4 nói dù quan hệ giữa ông Trump với ông Kim vẫn tốt đẹp, các cuộc đàm phán không thể tiếp tục trừ khi Washington loại bỏ Ngoại trưởng Mike Pompeo khỏi nhóm đàm phán. Triều Tiên cho rằng sự "can thiệp" của ông Pompeo khiến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai đổ vỡ.
"Ngay cả khi các cuộc đàm phán với Mỹ được nối lại, tôi hy vọng rằng chúng ta có thể có một người đối thoại không phải là Pompeo mà là một người khác giao tiếp tốt hơn và chín chắn hơn", Kwon Jong Gun, một quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên phụ trách các vấn đề với Mỹ, nói với Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA).