KCNA ngày 29/8 dẫn lời ông Choe Ryong Hae, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (quốc hội của Triều Tiên), khẳng định vị trí của ông Kim Jong Un trong hệ thống chính trị nước này là người đại diện quốc gia "đã được củng cố mạnh mẽ".
Quyết định nhằm đảm bảo "sự chỉ đạo nhất quán của Lãnh đạo Tối cao đối với mọi vấn đề quốc gia".
Theo bản hiến pháp mới, ông Kim với vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, cơ quan được thành lập năm 2016, là người đại diện tối cao cho toàn bộ nhân dân Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa vị trí của ông Kim là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh của đất nước, theo Reuters.
Bản hiến pháp được chỉnh sửa vào tháng 7 cũng gọi ông Kim Jong Un là "lãnh đạo tối cao" và nắm quyền chỉ huy toàn bộ lực lượng quân sự.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters. |
Việc thay đổi hiến pháp liên tục là chưa từng có tiền lệ tại Triều Tiên, theo nhà phân tích Rachel Minyoung Lee của chuyên trang NK News.
Giới phân tích đánh giá bước điều chỉnh hiến pháp ngày 29/8 cho thấy hệ thống pháp lý Triều Tiên chính thức trao cho ông Kim Jong Un vị trí nguyên thủ quốc gia. Trước đó, người đứng đầu Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên về mặt lịch sử được xem là nguyên thủ quốc gia.
Bản hiến pháp mới cũng trao cho ông Kim quyền ban hành đạo luật và các sắc lệnh quan trọng, đưa ra quyết định bổ nhiệm và triệu hồi phái bộ ngoại giao ở nước ngoài.
"Với bước điều chỉnh này, ông Kim Jong Un đang hồi sinh hệ thống nguyên thủ quốc gia dưới thời ông mình", nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang, làm việc tại Viện Sejong, nhắc đến cố lãnh tụ Kim Nhật Thành của Triều Tiên.