Triều Tiên 'mổ xẻ con tin' Mỹ
Mặc cho Mỹ nóng lòng về số phận của công dân Kenneth Bae đang bị giam giữ ở Bình Nhưỡng, chính quyền Triều Tiên vẫn không tỏ ý đàm phán giải thoát. Thậm chí, báo chí nước này hôm nay còn phơi bày nhất cử nhất động của "con tin" này.
Kenneth Bae là người Mỹ gốc Hàn đã bị chính quyền Bình Nhưỡng bắt giữ ngày 3/11/2012 tại thành phố cảng Rason với tội danh sử dụng một công ty du lịch có trụ sở tại Trung Quốc để đưa những người truyền giáo sang Triều Tiên.
Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA nhận định, ông Bae có những hành động thù địch và tìm cách lật đổ chế độ Bình Nhưỡng và bị kết án 15 năm lao động khổ sai.
Theo NK News, đầu tiên, Kenneth Bae được một tổ chức truyền giáo có tên “Youth with a mission” (YWAM), tạm dịch là “Sứ mệnh của giới trẻ” cử tới Trung Quốc hồi năm 2006. Bae được cho là người rất sùng đạo, và trong một bài thuyết trình tại nhà thờ ở Mỹ tháng 12/2011, Kenneth Bae đã nói rằng: “Tôi biết Chúa Jesus muốn tôi thực hiện sứ mệnh là kênh kết nối với Triều Tiên”.
Kenneth Bae bị kết án 15 năm lao động khổ sai. |
Một số nguồn tin cho biết, tại Trung Quốc, Bae có nhiệm vụ điều hành một trong số rất nhiều trường Đào tạo các tông đồ (DTS) do một tổ chức có quy mô toàn cầu vận hành. Các trường này có nhiệm vụ trang bị cho các tông đồ những kỹ năng cần thiết để chiêu mộ những người mà họ tiếp xúc chuyển sang theo đạo Cơ Đốc.
Tuy nhiên, hiện không biết chính xác Bae có tiếp tục làm việc cho YWAM hay không, nhưng theo một tài liệu được Bae tiết lộ năm 2011 thì ông này vẫn đang làm việc cho YWAM và hướng tới xây dựng “University of the nations campus” ở Trung Quốc. Được YWAM thành lập vào cuối những năm 1970, "University of the nations" là một mạng lưới toàn cầu để đào tạo các tông đồ.
Để có vỏ bọc thực hiện nhiệm vụ của mình, NK News cho biết, Kenneth Bae đã đăng ký một công ty có vốn đầu tư nước ngoài có tên “Dandong wanbang tourism consulting” (tạm dịch công ty Tư vấn Du lịch Dandong Wanbang) hồi tháng 6/2008 ở Dandong nhìn ra sông Áp Lục chia tách Triều Tiên và Trung Quốc. Tại đây ông đã thu hút được rất nhiều người nước ngoài có mong muốn được đến Triều Tiên. Và du lịch chính là phương tiện để Bae thực hiện nhiệm vụ của mình.
Giới phân tích nhận định, thông qua vụ bắt giữ này, Bình Nhưỡng đang tạo cớ để mặc cả với Mỹ như đã từng làm trong quá khứ. Trong những năm gần đây, nhiều công dân Mỹ đã bị Triều Tiên bắt và kết án tù, lao động khổ sai, nhưng sau đó, tất cả đều được trả tự do nhờ có sự can thiệp của các chính khách Washington. Năm 2011, Robert King, đặc phái viên Mỹ về vấn đề nhân quyền đã giúp giải thoát một doanh nhân California Eddie Jun Yong-Su bị Bình Nhưỡng bắt giữ vì lý do truyền bá tôn giáo trái phép.
Do đó, nhiều khả năng lần này, Bae cũng sẽ được tha với điều kiện có chính khách Mỹ sang Bình Nhưỡng thương lượng. Khi đó, Bình Nhưỡng tự cho mình đã “giành chiến thắng” trên mặt trận ngoại giao.
Thanh Hương
Theo Infonet