Người dân Triều Tiên tại một trạm tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản sử dụng chung múi giờ kể từ khi Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. "Việc thiết lập múi giờ riêng của Bình Nhưỡng nhằm loại bỏ triệt để những tàn tích từ thời đế quốc Nhật Bản", hãng thông tấn trung ương KCNA ngày 7/8 đưa tin.
Theo đó, giờ chính thức ở Triều Tiên sẽ chậm hơn 30 phút so với Nhật Bản và Hàn Quốc. KCNA cho biết, việc áp dụng múi giờ mới bắt đầu từ ngày 15/8, nhân kỷ niệm 70 năm ngày bán đảo Triều Tiên giải phóng khỏi sự cai trị của Nhật Bản khi Thế chiến 2 kết thúc.
Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết họ vẫn áp dụng múi giờ như cũ, tức cùng múi giờ với Nhật Bản vì nó phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định, việc Triều Tiên tự áp dụng múi giờ mới có thể ảnh hưởng đến lịch làm việc tại khu công nghiệp Kaesong ở vùng biên giới. Người phát ngôn Bộ này, ông Jeong Joon Hee, cho rằng một múi giờ mới càng làm phức tạp bất đồng giữa hai miền.
Trước Triều Tiên, Venezuela cũng đã xây dựng múi giờ riêng khi điều chỉnh giờ chính thức tại nước này sớm hơn 30 phút. Chính phủ Venezuela cho biết việc thay đổi nhằm giúp việc lao động và học tập phù hợp với quy luật tự nhiên trong ngày của người dân nước này.