Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Triều Tiên lần đầu hé lộ silo tên lửa dưới nước

Các chuyên gia nhận định Triều Tiên đang tận dụng khoảng thời gian trống sau khi cuộc đàm phán với Mỹ đình trệ để cải tiến vũ khí.

Trieu Tien phong ten lua anh 1

Triều Tiên hôm 10/10 đã bất ngờ mở lời sau một loạt vụ thử tên lửa gây tranh cãi.

Phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát một số vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm một tên lửa bắn từ silo (hầm chứa) dưới nước.

Truyền thông Triều Tiên cũng công bố các bức ảnh cho thấy một tên lửa đạn đạo bay lên từ dưới mặt nước của silo.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên tuyên bố họ xây dựng các hầm chứa vũ khí hạt nhân dưới nước. Động thái này cho thấy Bình Nhưỡng đang phát triển công nghệ để tên lửa của họ khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.

Theo New York Times, chỉ trong hai tuần qua, Triều Tiên đã tiến hành 7 vụ phóng thử và bắn 12 tên lửa đạn đạo. Hầu hết đều là tên lửa tầm ngắn, ngoại trừ tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng vào ngày 4/10 bay qua Nhật Bản, gây ra báo động trên khắp miền Bắc nước này.

Năm 2022 cũng là năm Bình Nhưỡng tiến hành số vụ thử tên lửa cao nhất, kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011. Nước này đã thực hiện kỷ lục 25 vụ thử tên lửa trong năm nay.

Trieu Tien phong ten lua anh 2

Chỉ trong hai tuần qua, Triều Tiên đã bắn 12 tên lửa đạn đạo. Ảnh: KCNA.

Bất ngờ xuất hiện trước công chúng

Hôm 10/10, truyền thông nhà nước đưa tin lần đầu tiên sau 5 tháng, ông Kim đã có mặt tại các địa điểm phóng thử để giám sát việc huấn luyện đơn vị vận hành hạt nhân chiến thuật. Một loạt bức ảnh về nhà lãnh đạo Triều Tiên sau đó đã được công bố.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến ông Kim bất ngờ xuất hiện trước công chúng vào thời điểm này.

Hôm 10/10 đánh dấu kỷ niệm 77 năm đảng Lao động cầm quyền ở miền Bắc. Vì vậy, các phương tiện truyền thông nhà nước đã nêu bật sự lãnh đạo của ông Kim bằng cách cho thấy khả năng hạt nhân và tên lửa ngày càng lớn mạnh - thành tựu lớn nhất của ông kể từ khi lên nắm quyền cách đây hơn một thập kỷ.

Theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết các cuộc thử nghiệm gần đây được nhằm chứng minh “khả năng phản ứng và tấn công hạt nhân của chúng tôi”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẽ tăng cường các hoạt động quân sự của đất nước trong tương lai, đồng thời nói thêm rằng không cần mở đối thoại với "kẻ thù", Reuters đưa tin.

“Mặc dù kẻ thù tiếp tục đề cập đến đối thoại và đàm phán, chúng ta không có điều gì để nói và cũng không cảm thấy cần phải làm như vậy”, KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un.

Dưới thời ông Kim, Triều Tiên đã yêu cầu được công nhận là một nước có vũ khí hạt nhân.

Vào hôm 9/9, KCNA cho biết Bình Nhưỡng đã thông qua luật chính thức tuyên bố là quốc gia hạt nhân, trong đó khẳng định không thảo luận về giải trừ hạt nhân và cho phép tấn công phủ đầu bằng hạt nhân. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un gọi quyết định này là "không thể đảo ngược".

Trieu Tien phong ten lua anh 3

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang theo dõi một vụ phóng tên lửa. Ảnh: KCNA.

Giáo sư Yang Moo Jin thuộc Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng luật này dường như thể hiện hy vọng của Triều Tiên trong việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Sau khi Trung Quốc và Nga công khai phản đối các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, ông Kim “biết rằng mình có sự ủng hộ của họ”, Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii, nói.

Ông cho biết thêm cuộc thử nghiệm vũ khí của ông Kim có mục đích kép: Ngoài việc đưa ra tuyên bố với cộng đồng quốc tế, nó còn nâng cao hình ảnh và củng cố quyền lực trong nước của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

“Ông Kim đang lo lắng về những người dưới quyền và những thay đổi từ bên ngoài. Với các cuộc thử nghiệm, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn khẳng định ‘chúng tôi có thể đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ phương Tây, Mỹ và Hàn Quốc’", ông Schuster nói.

Cải tiến vũ khí

Kể từ khi quan hệ ngoại giao của ông Kim với cựu Tổng thống Donald Trump sụp đổ mà không có bất cứ thỏa thuận nào được ký kết, Triều Tiên đã đẩy mạnh các chương trình vũ khí của mình.

Nước này đã phát triển và thử nghiệm một số tên lửa mới khó bị phát hiện, cũng như khó bị đánh chặn hơn vì chúng có thể bay với tốc độ siêu thanh hoặc. Thậm chí, đường bay của tên lửa có thể liên tục được điều chỉnh trong lúc lao đến mục tiêu.

Hôm 10/10, Triều Tiên cho hay trong cuộc thử nghiệm tên lửa được tiến hành vào ngày 25/9, các binh sĩ đã mô phỏng việc nạp "đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại một hầm chứa dưới hồ nước", nhằm kiểm tra khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ "hầm chứa dưới nước".

Ba ngày sau vụ thử đó, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa tầm ngắn để thực hành phóng đầu đạn hạt nhân chiến thuật có thể "vô hiệu hóa" các sân bay của Hàn Quốc, truyền thông nước này đưa tin.

Các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được che giấu bí mật nên rất khó để đánh giá khả năng thực sự của chúng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông Kim đang tận dụng khoảng thời gian trống sau khi các cuộc đàm phán với Washington bị đình trệ để thử nghiệm và cải tiến vũ khí của mình, cũng như nâng cao ưu thế trên bàn đàm phán trong tương lai.

Trieu Tien phong ten lua anh 4

Một vụ phóng tên lửa tại địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Tên lửa Triều Tiên phóng qua Nhật Bản hôm 4/10 là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới, nước này cho biết.

Đây là tên lửa đầu tiên của Triều Tiên bay qua Nhật Bản kể từ khi Triều Tiên bắn thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 vào năm 2017. Nó bay được khoảng 4.500 km, khoảng cách xa nhất mà vũ khí Triều Tiên từng được phóng, theo ước tính từ các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù cách nhau đến 5 năm, hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đều có điểm chung. Đó là Bình Nhưỡng đã cố tình bắn chúng theo một góc dốc để chúng bay lên cao vào không gian trước khi rơi xuống vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Sau vụ thử năm 2017, Triều Tiên đã tuyên bố các đầu đạn hạt nhân của nước này có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mà nước này phóng trong những tuần gần đây được phát triển để nhắm vào các căn cứ quân sự của Hàn Quốc và Mỹ trong khu vực, theo một số chuyên gia quân sự.

Triều Tiên hôm 10/10 cũng công bố ảnh về các cuộc diễn tập pháo và tên lửa được tiến hành vào tuần trước, cũng như một cuộc tập trận không kích mà họ cho biết có sự tham gia của hơn 150 máy bay chiến đấu. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên triển khai nhiều máy bay cùng lúc trong một cuộc tập trận.

Trong bối cảnh đó, tại Seoul, văn phòng của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc đang tăng cường liên minh với Mỹ để răn đe Triều Tiên.

"Chúng tôi muốn Triều Tiên nhận ra rằng sở hữu vũ khí hạt nhân không chỉ gây nguy hiểm cho hòa bình và tự do của khu vực, mà còn không giúp ích gì cho nền kinh tế cùng an ninh của chính họ", Kim Eun Hye, phát ngôn viên của ông Yoon, cho biết cuối tuần trước.

Hôm 7/10, chính quyền Biden thông báo Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số doanh nhân và công ty ở châu Á ủng hộ việc phát triển vũ khí của Triều Tiên.

Video chiến đấu cơ Hàn - Mỹ phô diễn sau khi Triều Tiên thử tên lửa Máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Mỹ thao diễn chung hôm 7/6, hai ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa lần thứ 18 trong năm 2022.

Báo cáo LHQ: Triều Tiên trong giai đoạn cuối chuẩn bị thử hạt nhân

Một báo cáo tại Hội đồng Bảo an nói Triều Tiên đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho một vụ thử vũ khí hạt nhân với việc đào đường hầm và thử các thiết bị kích hoạt.

Ông Kim Jong Un giám sát diễn tập hạt nhân

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát việc huấn luyện đơn vị vận hành hạt nhân chiến thuật của nước này từ ngày 25/9 đến 9/10, theo hãng thông tấn KCNA.

Minh An

Bạn có thể quan tâm