"Chúng tôi đánh giá rằng Triều Tiên đã vận hành các lò phản ứng đủ lâu để có thể bắt đầu lấy plutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng trong các lò phản ứng trong vòng một vài tuần đến một vài tháng", giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper phát biểu trên trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 9/2.
"Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch và phát triển một tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo. Nước này cũng tuyên bố phát triển một tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng gây đe dọa trực tiếp đến Mỹ, dù hệ thống chưa được thử nghiệm", ông nói thêm và cảnh báo những nguy hiểm toàn cầu mà các nhà hoạch định Mỹ phải đối mặt.
Một nhà máy hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Theo người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ, Bình Nhưỡng tiếp tục đẩy mạnh năng lực tình báo mạng và tấn công mạng, đồng thời bán công nghệ vũ khí bất hợp pháp cho nhiều quốc gia khác.
Trong buổi đánh giá các mối đe doạ đối với Mỹ, ông Clapper cùng các quan chức quân sự và tình báo quốc gia nhận định Triều Tiên là mối đe doạ lớn và không thể dự đoán trước.
"Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các chương trình tên lửa đang phát triển của nước này là một mối đe doạ tiếp diễn", Trung Tướng Vincent Stewart, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, nhấn mạnh.
Trước đó, Truyền hình nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo ngày 7/2 theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Vụ việc vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn để bàn về vụ phóng.
Quan chức Mỹ ngày 9/2 xác nhận, vệ tinh Quang Minh Tinh 4 của Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo ổn định quanh Trái Đất, tuy nhiên nó được cho là chưa truyền bất kỳ dữ liệu nào về trung tâm quan sát trên mặt đất.
Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi các vụ phóng tên lửa và vật thể trong vũ trụ, từ chối đưa ra bình luận về sự việc trên.
Hồi đầu tháng 1, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch và tuyên bố lý do thử nghiệm là "quyền lợi hợp pháp" nhằm bảo vệ nước này trước Mỹ dù trước đó từng nhiều lần tạm dừng các hoạt động ở cơ sở hạt nhân để đổi lại các thỏa thuận viện trợ từ nước ngoài.
Tháng 3/2013, cuộc khẩu chiến giữa Triền Tiên với Mỹ vì nghị quyết trừng phạt sau vụ thử hạt nhân lần 3 khiến Bình Nhưỡng tái khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyo, sau khi ngưng hoạt động năm 2007. Khi vận hành đầy đủ, lò phản ứng có thể sản xuất 6 kg plutonium mỗi năm, đủ cho một quả bom hạt nhân.