Giáo sư Siegfried Hecker là một trong số những nhà khoa học quốc tế hiếm hoi được khảo sát cơ sở hạt nhân phức hợp Yongbyon của Triều Tiên.
Trong bài viết trên trang 38 North đầu tuần này, ông Hecker nói lần thử nghiệm hạt nhân thứ 5 vừa qua của Bình Nhưỡng "rất đáng lo ngại". "Không chỉ vì những khả năng cụ thể mà họ muốn chứng tỏ, mà nó là một phần trong nỗ lực xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên", ông nói.
Người Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên qua màn hình TV. Ảnh: AP
|
Theo giáo sư của đại học Stanford, việc Triều Tiên thử hạt nhân 5 lần chỉ trong 10 năm qua cảnh báo những mối đe dọa to lớn hơn khi Bình Nhưỡng tăng cường mở rộng chương trình hạt nhân. "Họ có thể phát triển tên lửa hạt nhân tấn công đến lục địa Mỹ trong một thập kỷ. Điều lo ngại là kế hoạch này không hề bị kiềm chế".
Ông Hecker cho rằng Triều Tiên hiện đã đủ khả năng sản xuất 7 quả bom hạt nhân mỗi năm tại cơ sở phức hợp Yongbyon, sử dụng nguyên liệu là plutonium và uranium làm giàu.
"Sau khi Triều Tiên tiến hành 2 lần thử nghiệm thành công liên tiếp trong năm nay, chúng ta phải giả định rằng họ cũng đã thiết kế và phát triển đầu đạn hạt nhân có thể đưa vào tên lửa tầm ngắn và tầm trung", Hecker nói.
Ngày 9/9, Truyền hình Trung ương Triều Tiên KRT xác nhận vụ thử nghiệm hạt nhân lần 5, đồng thời tuyên bố thành công trong việc gắn loại đầu đạn hạt nhân mà nước này mới chế tạo vào các tên lửa đạn đạo.
Theo phía Hàn Quốc, đây là vụ thử nghiệm có sức công phá lớn nhất mà Triều Tiên từng tiến hành cho đến nay, gần bằng vụ ném bom hạt nhân ở Hiroshima năm 1945.