Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triệu phú gốc Việt mua 'tháp Eiffel' nào?

Công ty mà triệu phú gốc Việt Chuc Hoang theo đuổi không phải là ông chủ của biểu tượng nước Pháp, bởi tháp Eiffel thuộc sở hữu của chính quyền Paris.

Được xây dựng từ tháng 1/1887 đến tháng 3/1889, tháp Eiffel ban đầu chỉ là cổng chào cho cuộc đại triển lãm thế giới nhân kỷ niệm 100 năm ngày cách mạng Pháp. Vượt qua sự chỉ trích của chính người Pháp và cả thời hạn tồn tại dự kiến ban đầu (khoảng 20 năm), Eiffel đã trở thành công trình biểu tượng nước Pháp và đón tới hàng trăm triệu lượt khách tham quan sau 125 năm tồn tại, thu về nguồn lợi lớn cho nước Pháp nói chung và Paris nói riêng.

Cùng với việc xây dựng tháp Eiffel, cha đẻ của công trình này - kỹ sư Gustave Eiffel - cũng thành lập công ty Société de la Tour Eiffel (STE) để thực hiện quản lý biểu tượng nước Pháp. Tuy nhiên, quyền quản lý công trình vĩ đại này đã thuộc về thành phố Paris và nước Pháp sau khi triển lãm thế giới kết thúc. Société de la Tour Eiffel cũng chính là công ty mà triệu phú gốc Việt Chuc Hoang - người giàu thứ 176 nước Pháp - đang theo đuổi nhằm nắm quyền sở hữu.

Không có công ty nào là chủ sở hữu của tháp Eiffel bởi thành phố Paris mới chính là ông chủ của công trình vĩ đại này.
Không có công ty nào là chủ sở hữu của tháp Eiffel bởi thành phố Paris mới chính là ông chủ của công trình vĩ đại này. Ảnh: urbansplatter.com

Năm 2005, Société d'Exploitation de la Tour Eiffel (SETE) thành lập và được chính quyền Paris trao quyền duy trì cũng như bảo đảm hoạt động của tháp Eiffel. Trên trang web của mình, SETE cũng nêu rõ tỷ lệ sở hữu của những cổ đông công ty, trong đó, thành phố Paris giữ gần 60% vốn. Phần vốn góp còn lại do 5 công ty khác nắm giữ, bao gồm Dexia Credit Local, Eiffage, Ufipar (thuộc tập đoàn LVMH), Unibail và Safidi SA, mỗi doanh nghiệp sở hữu 8%.

Nhiệm vụ của SETE hầu như không khác nhiều so với STE, chủ yếu là hiện đại hóa cơ sở vật chất, quản lý khu vực tiếp tân, cung cấp dịch vụ cho du khách, duy trì an ninh và khuyến khích sử dụng hình ảnh tháp Eiffel. Sự trùng hợp trong tên của hai công ty đã khiến cho không ít người nghĩ rằng Eiffel vẫn thuộc quyền quản lý của công ty STE có tuổi đời hơn 100 năm thay vì doanh nghiệp Nhà nước tồn tại chưa đầy một thập kỷ như SETE.

Trong khi STE có một kết quả hoạt động tồi tệ khi nợ nần chồng chất thì ngay cả SETE cũng không có báo cáo tài chính khả quan hơn bao nhiêu. Theo số liệu năm 2012 được cập nhật trên website của công ty này, tuy doanh thu đạt tới 66,6 triệu EUR nhưng lợi nhuận hoạt động của SETE là âm 2,1 triệu EUR, do chi nhân sự chiếm tới 35% tổng chi phí của công ty này. Năm 2012, lãi sau thuế của SETE chỉ là âm 1,1 triệu EUR.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm