Steve Kirsch cho biết hành khách ngồi cạnh ông ở khoang hạng nhất từ chối tháo khẩu trang trong suốt chuyến bay dù ông hứa tặng 100.000 USD và giải thích về “sự vô dụng” của việc che mặt. Ảnh: Steve Kirsch. |
Triệu phú công nghệ Steve Kirsch (66 tuổi, đến từ Mỹ), người lan truyền thông tin sai lệch về vaccine Covid-19 trong suốt đại dịch, cho biết ông cố gắng giải thích về “sự vô dụng” của khẩu trang với nữ hành khách ngồi cạnh mình trên chuyến bay của hãng hàng không Delta Air Lines.
Ban đầu, Kirsch đề nghị tặng 100 USD cho người phụ nữ, được cho là đang làm việc cho một công ty dược phẩm, để cô tháo khẩu trang và sau đó nâng dần số tiền lên tới 100.000 USD, theo News.com.au.
Mặc dù bị thẳng thừng từ chối, Kirsch vẫn tiếp tục quấy rối nữ hành khách, thậm chí nói cô sẽ nhiễm bệnh ngay khi tháo khẩu trang ra để ăn uống.
“Cô ta tháo khẩu trang ngay sau khi bữa sáng được phục vụ. Bởi vì ai cũng biết mình không thể bị nhiễm bệnh khi đang ăn! Có lẽ lần tới tôi nên ngồi cạnh người có tài khoản tại Ngân hàng Thung lũng Silicon”, ông nói.
Bài đăng trên trang cá nhân của Kirsch nhanh chóng nhận về phản ứng tức giận. Nhiều người chỉ trích doanh nhân này vì hành động quấy rối người khác bằng lời đổi chác khiếm nhã bằng tiền bạc.
“Ông có thói quen đưa tiền cho những người phụ nữ ngẫu nhiên để cởi bỏ trang phục của họ giữa không trung không?”, cựu ứng cử viên đại diện bang của đảng Dân chủ Jess Piper mỉa mai.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Alastair McAlpine giận dữ: “Hãy ngừng làm phiền người chỉ đang quan tâm đến sức khỏe của họ bằng những điều vô nghĩa đáng sợ của ông”.
“Tất cả những gì ông làm là cố gắng mua chuộc và quấy rối người phụ nữ đưa ra quyết định mà cô ấy nghĩ là tốt nhất cho mình”, một người dùng khác viết.
Đây không phải lần đầu tiên Kirsch cố gắng thực hiện điều tương tự.
Tuần trước, trên chuyến bay của hãng hàng không Southwest Airlines, ông cũng đề nghị tặng 10.000 USD cho những người ngồi cùng ghế nếu họ chịu bỏ khẩu trang trên chuyến bay. Tất cả đều từ chối lời đề nghị và ông cho biết có thể đề nghị số tiền cao hơn vào “lần tới”.
“Có lẽ tôi nên đưa ra con số 100.000 USD vào lần tới? Điều này có thể định lượng được mức độ tẩy não”, ông viết trên Twitter.
Vị triệu phú này cũng từng tuyên bố cố gắng hỗ trợ công tác đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng có liên quan đến việc lan truyền nhiều thông tin sai lệch về khẩu trang và vaccine.
Luật liên bang Mỹ không còn yêu cầu việc đeo khẩu trang ở sân bay hoặc trên máy bay, nhưng một số thành phố và tiểu bang vẫn có thể áp dụng.
Delta Air Lines cho biết khách hàng và nhân viên của họ không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi du lịch trong nước và quốc tế, trừ trường hợp được yêu cầu bởi “các chính phủ hiện hành”, có thể bao gồm việc yêu cầu đeo khẩu trang trên máy bay, tại sân bay hoặc phòng chờ.
“Nếu đúng như vậy, Delta sẽ thông báo cho hành khách, đồng thời có thể đặt biển báo ở những khu vực bắt buộc phải đeo khẩu trang”, hãng hàng không của Mỹ lưu ý trên trang web chính thức.
Khách du lịch quốc tế cũng được yêu cầu “tiếp tục mang theo khẩu trang bên mình” để đề phòng.
Trang web của Southwest Airlines cho biết hành khách “luôn được khuyến khích đeo khẩu trang khi đi du lịch nếu muốn”.
Mặc dù có một số tranh luận về hiệu quả của khẩu trang, quan điểm phổ biến trong thời kỳ bình thường mới, hậu Covid-19 này là đeo chúng nếu muốn.
Cochrane Review, được coi là tiêu chuẩn vàng của y học dựa trên bằng chứng, gần đây kết luận rằng “việc đeo khẩu trang trong cộng đồng có thể tạo ra rất ít hoặc không tạo ra sự khác biệt nào” trong nỗ lực ngăn chặn Covid-19.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.