Theo Wall Street Journal, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã giảm tốc trong những tháng đầu năm 2022 do lạm phát leo thang. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định xung đột Nga - Ukraine sẽ tạo ra những bất ổn kinh tế mới.
"Triển vọng tăng trưởng trở nên mờ mịt bởi những bất ổn do các xung đột địa chính trị và giá cả tăng cao", FED nhận định trong báo cáo Beige Book vừa được công bố.
Báo cáo này mô tả chi tiết những tác động do lạm phát tăng cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tình trạng cung không theo kịp cầu trên thị trường lao động.
Các doanh nghiệp Mỹ lao đao vì thiếu hụt lao động và chi phí nhân công tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Lạm phát tăng mạnh
Theo báo cáo, nguồn cung lao động bị thu hẹp khiến tiền lương tăng cao. Thêm vào đó, người lao động cho rằng giá cả leo thang là lý do để tăng lương. Theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh), cao hơn ước tính 8,4% của Dow Jones. Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.
Lạm phát cơ bản, tức không tính tới giá lương thực và năng lượng, tăng 6,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982. Giá thực phẩm tăng 1% trong tháng và 8,8% so với năm ngoái. Còn giá năng lượng tăng lần lượt 11% và 32%.
Lạm phát gia tăng khiến thu nhập không thể theo kịp chi phí sinh hoạt. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức thu nhập thực tế theo giờ trung bình của người Mỹ đã giảm 0,8% trong tháng qua.
Người lao động cho rằng giá cả leo thang là lý do để tăng lương, từ đó có thể tạo ra vòng xoáy tiền lương - giá cả. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Ambrose Crofton - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra cú sốc nguồn cung toàn cầu. Đáng nói, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Ngoài những tác động rõ ràng mà chiến tranh gây ra cho giá năng lượng toàn cầu, Nga còn là nước xuất khẩu nhiều hàng hóa quan trọng như kim loại công nghiệp và phân bón", ông Crofton nhận định.
"Do đó, giá hàng hóa và thực phẩm có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, tạo sức ép lớn cho người tiêu dùng", ông cảnh báo.
Các công ty Mỹ cho biết đã chật vật vì chi phí vận chuyển, nhân công và nguyên vật liệu tăng cao.
Các hãng hàng không tại San Francisco dự báo giá vé máy bay sẽ trở nên đắt hơn trong vài năm tới do chi phí nhiên liệu ngày càng tăng. Báo cáo của FED nhấn mạnh giá dầu và khí đốt đã tăng mạnh sau khi Nga đổ quân vào Ukraine.
Gián đoạn chuỗi cung ứng
Theo báo cáo của FED, các công ty cũng phải đối mặt với những tắc nghẽn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng. Theo một nhà sản xuất ở Trung-Đại Tây Dương, một số nhà cung cấp châu Âu của họ đã đóng cửa vì chi phí nhiên liệu cao hơn.
Các công ty khác cho biết họ lo ngại rằng làn sóng Covid-19 ở Trung Quốc có thể khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn. Bắc Kinh vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn.
Theo ông Richard Martin - Giám đốc điều hành tại IMA Asia, các chuyến hàng đang bị mắc kẹt ở Trung Quốc do những lệnh phong tỏa mới. Ông cho rằng điều này có thể là vấn đề lớn với nền kinh tế toàn cầu.
Triển vọng tăng trưởng trở nên mờ mịt bởi những bất ổn do các xung đột địa chính trị và giá cả tăng cao
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
"Những sản phẩm mà chúng ta sử dụng trên khắp thế giới được sản xuất, hoặc có thành phần được sản xuất ở Trung Quốc. Chúng ta đang chuẩn bị chứng kiến 'cơn bão hậu cần' có thể nhấn chìm mọi thứ như hồi năm 2020 và 2021", ông Martin cảnh báo.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ chứng kiến nhu cầu tăng mạnh. Những công ty du lịch ở khu vực Đông Nam nước Mỹ cho biết hoạt động du lịch đã bùng nổ trong kỳ nghỉ xuân năm nay. Nhưng tại Bờ Tây, các sự kiện và hội nghị trở lại chậm hơn.
"Lĩnh vực dịch vụ, khách sạn và nhà hàng dường như phục hồi mạnh mẽ hơn hàng hóa", ông Charles Gascon - nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis - bình luận.
Người lao động cũng bắt đầu trở lại văn phòng để làm việc, sau khi xu hướng chuyển sang làm việc tại nhà kéo dài do ảnh hưởng của đại dịch.
Một công ty lớn ở thành phố St. Louis (bang Missouri) tiết lộ đã khuyến khích người lao động trở lại văn phòng bằng cách mở thêm quán cà phê và khu vực giải trí.
Theo một công ty ở thành phố Minneapolis (bang Minnesota), việc làm việc trực tiếp tại văn phòng giúp tăng doanh thu của những cửa hàng, dịch vụ gần đó. Còn ở khu vực Đông Bắc, một số công ty cho rằng họ đã cởi mở hơn với việc cho nhân viên làm việc từ xa.