Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triển lãm tranh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trong sự im lặng và hội họa, Trịnh Công Sơn tiếp tục cuộc hành trình "đi tìm mình" và những mảng đời của mình bấy lâu nay vẫn còn bị che giấu.

Trinh Cong Son anh 1

Trịnh Công Sơn vẽ khi ở trong căn phòng riêng của ông tại số 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP. HCM. Ảnh: tư liệu gia đình.

Được biết đến là một trong những nhạc sĩ gạo cội, tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam, song, ở Trịnh Công Sơn còn có một niềm đam mê đặc biệt với hội họa. Những bức tranh với nét vẽ độc đáo không chỉ giúp khắc họa nên một nghệ sĩ đa tài, mà còn cho thấy một khuôn mặt khác của ông mà âm nhạc chưa thể diễn tả hết được.

"Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi. Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ "mình" đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời...", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết, được in trong cuốn Hội họa Trịnh Công Sơn do nhà báo Nguyễn Trọng Chức chủ biên.

Nhân 22 năm ngày mất của cố nhạc sĩ (1/4/2021), chuỗi hoạt động kỷ niệm bao gồm triển lãm "Gương mặt hội họa" Trịnh Công Sơn, trưng bày bộ sưu tập các tranh vẽ của ông. Đây cũng là dịp để công chúng yêu nghệ thuật có thể thấy một chân dung mới về Trịnh Công Sơn, thông qua những bức tranh đã được gia đình gìn giữ hơn 40 năm qua.

Trinh Cong Son anh 2

Ca sĩ Hồng Nhung bên cạnh bức chân dung của chính mình được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ năm 1994. Ảnh: Thanh Trần.

Những chân dung thường thấy trong tranh của Trịnh Công Sơn bao gồm bạn bè, người thân, người yêu và nhiều nhân vật trong giới văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Giáng, Dương Tường...

Các tác phẩm hội họa của ông thường được tối giản chi tiết với những nét cọ đơn giản, nhưng vẫn có những màu sắc nhấn nhá tạo nên đặc trưng và thần thái của nhân vật trong tranh. Ca sĩ Hồng Nhung trong buổi tham quan triển lãm tối ngày 9/4 cho biết cô có thể nhận ra tất cả những gương mặt tại đây.

"Dù anh ấy làm gì, tôi đều biết anh sẽ thành công bởi anh luôn làm bằng tất cả sự nghiêm túc của mình", nữ ca sĩ trò chuyện tại buổi triễn lãm.

Sinh thời, họa sĩ Đinh Cường cho biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa từng học hội họa trường lớp chính quy. Tuy vậy, tranh của ông được đánh giá cao và góp mặt trong nhiều triển lãm chung với các họa sĩ chuyên nghiệp như Tôn Thất Văn, Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Bửu Chỉ... từ năm 1988 cho đến năm 2000.

"Nhiều người đến phòng tranh và nói với tôi: ông vẽ như viết nhạc vậy. Đúng. Tôi muốn đi tìm cái phần nhạc không nói được trong hội họa của tôi. Nếu tôi có thể nói được tất cả mọi điều của đời sống, của con người, của thiên nhiên bằng âm nhạc thì tội gì tôi phải vơ vào cho mình thêm một tội lỗi nữa", Trịnh Công Sơn từng viết.

"Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn, nhưng vô vọng. Và tôi đã tìm đến với thế giới của im lặng và hội họa. Ở đây tôi đã bắt gặp một mảng đời của mình bấy lâu nay vẫn còn bị che giấu", ông từng chia sẻ.

Buổi triển lãm tranh cá nhân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra đến hết ngày 23/4 tại không gian nghệ thuật M.A.S (TP Thủ Đức).

Công bố ảnh chụp Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung những năm 1990

Trong triển lãm "Giọt nước rơi trên kính", nhiếp ảnh gia Dương Minh Long trưng bày những bức hình tư liệu lần đầu được công bố về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung.

Sức quyến rũ khác thường trong ca từ của Trịnh Công Sơn

Chất thơ tỏa bóng dáng huy hoàng của chủ nghĩa lãng mạn trên ca từ Trịnh Công Sơn, chất triết học thì đem lại chiều sâu của tư tưởng hiện đại.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm