Marie Curie tên thật là Marya Salomea Sklodowski (Manya). Bà sinh ngày 7/11/1867, trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều là giáo viên.
[…]
Trong hồi ức của Marie Curie, mẹ của cô là một người phụ nữ đẹp và rất hiền dịu, đoan trang. Bà thương yêu, chăm sóc các con chu đáo, nhưng Manya nhớ rằng chưa bao giờ cô được mẹ hôn.
Cô yêu mẹ và cảm nhận được tình yêu thương mà mẹ dành cho mình qua những cử chỉ vuốt ve, âu yếm. Cô cũng rất thích mỗi khi mẹ lấy mấy ngón tay gầy gầy nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc cô.
Nhưng Manya không hiểu vì sao mẹ luôn dùng bát, thìa, dĩa riêng khi ăn và đặc biệt hạn chế ôm hôn các con. Mãi về sau, cô mới biết rằng mẹ mắc bệnh lao phổi. Căn bệnh đã hành hạ bà cho đến tận những năm cuối đời.
Mỗi buổi chiều, mấy anh chị em cùng nhau chơi trận giả quanh những dãy cột tròn của tòa nhà trong trường. Tối tối, chúng lại chơi trò bắn nhau bằng đạn gỗ.
Căn phòng rộng với bốn chiếc giường xếp ở bốn góc trở thành các chiến lũy của bọn trẻ. Chúng la hét, nô đùa cho đến khi nào chị Zofia bảo ngừng lại thì chúng mới lần lượt “lui quân”, ai về chỗ nấy.
Manya bộc lộ trí thông minh từ rất sớm. Một lần, ông bà Sklodowski kiểm tra việc học chữ của cô chị là Bronia. Cô bé đánh vần từng chữ một cách chậm chạp, khó khăn.
Nhà bác học Marie Curie. Nguồn: top10leatherjournals. |
Thấy thế, Manya cầm lấy cuốn sách từ trên tay chị, rồi đọc trôi chảy câu mở đầu của đoạn văn. Khi đọc xong, thấy mọi người đều im lặng như tờ thì Manya bỗng hoảng sợ. Cô bé nghĩ chắc mình vừa mắc một lỗi lớn.
Manya òa khóc nức nở, rồi giải thích:
- Con xin lỗi! Con không cố ý làm như vậy đâu. Chỉ tại nó dễ quá.
Bà Bronislawa liền vỗ về cô:
- Không, con yêu, con không có lỗi gì cả.
Ông Wladyslaw hỏi Bronia thì mới biết rằng mấy tuần vừa rồi, Bronia rủ em chơi trò “cô giáo, học trò”. Hai chị em học chữ với một bảng chữ cái làm từ bìa cứng. Bronia còn dạy em học ghép vần. Vậy mà đến hôm nay, khi cô chị còn chưa đọc trôi chảy thì cô em đã đọc được vài câu văn ngắn, đơn giản.
Hai ông bà đều vui mừng vì trí nhớ và sự thông minh tuyệt vời của cô con gái út, nhưng là những nhà sư phạm thận trọng, ông bà không muốn cho con học chữ quá sớm. Kể từ hôm đó, hai vợ chồng đặc biệt để ý đến các hoạt động của con.
[...]
Ivanov đã gây ra tai họa cho bao nhiêu người vô tội vì họ không chịu tuân theo mệnh lệnh của hắn. Manya không quan tâm đến những chuyện mà bố mẹ đang nói nên lặng lẽ đi vào phòng làm việc của bố, ngắm nhìn mọi thứ.
Bộ ghế bành bọc nhung đỏ theo kiểu thời Phục Hưng làm cho căn phòng trở nên sang trọng hơn. Một chiếc bàn đóng bằng gỗ đào hoa tâm bóng loáng. Phía trên treo một bức họa Đức giám mục trang nghiêm giữa chiếc khung mạ vàng.
Manya đi qua cái giá đặt chiếc chén sứ vẽ chân dung vua Louis Philippe mà bố mẹ luôn nhắc nhở các con không được đụng vào, rồi tiến lại chỗ những đồ vật mà cô yêu thích nhất. Đó là cái khí áp kế kim vàng, nền trắng mà ông Wladyslaw thường vặn lại và lau chùi đều đặn vào các ngày cố định, trước những cặp mắt chăm chú của đàn con.
Rồi đến cái tủ kính nhiều tầng, bên trong đặt bao nhiêu là thứ kì lạ và hấp dẫn: ống thủy tinh, cân tiểu ly, mẫu quặng và có cả một cái điện nghiệm có lá bằng vàng. Trước kia, ông Wladyslaw thường mang các dụng cụ đó tới lớp để giảng bài. Nhưng từ ngày có lệnh giảm bớt các giờ khoa học thì cửa tủ luôn luôn đóng chặt.
Manya rất thích những đồ vật ấy, nhưng không hiểu bố dùng chúng để làm gì. Thấy con gái đang kiễng chân, say sưa ngắm nhìn các dụng cụ thí nghiệm, ông Wladyslaw liền dặn con:
- Đó là những dụng cụ vật lý của bố. Con chỉ nhìn thôi, đừng sờ vào chúng nhé!
- Vâng ạ!
Manya trả lời bố, rồi lại tiếp tục nhìn chúng. Từ đó, cô bé quen với cụm từ “dụng cụ vật lý” và cứ nhắc mãi mỗi khi ngắm nghía các đồ vật trong phòng làm việc của bố.