Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trị bệnh 'hung thần' cho xe đầu kéo container

Hình ảnh hàng loạt tai nạn liên quan đến xe container chưa dứt thì tại TP.HCM, liên tiếp vụ xe container tông sập nhà dân những ngày qua đã tạo ra nỗi ám ảnh với người dân.

Tại TP.HCM, trong vòng hai tuần nhưng xảy ra 3 vụ xe đầu kéo container lao vào nhà dân. Trong đó, vụ làm nhiều người giật mình phải kể đến trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) rạng sáng 3/4, khi một xe đầu kéo container tông sập phần trước của 2 căn nhà thì tài xế vẫn đang... "no giấc" trong cabin.

Ám ảnh hơn, tối 8/4, khu vực ngã tư An Sương (giáp ranh quận 12 và huyện Hóc Môn) lại xảy ra 1 vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe đầu kéo và xe máy làm 2 người thiệt mạng.

Hoang mang

Trong khi các ngành chức năng đang tăng cường kiểm soát tài xế sử dụng chất kích thích, nhất là đối với lái xe đầu kéo thì các vụ tai nạn liên quan đến loại xe này vẫn liên tiếp xảy ra. Chứng kiến cảnh tài xế xe đầu kéo container sau khi tông sập nhà dân vẫn cứ thế ngủ trong cabin, ai cũng sợ hãi.

"Họ giết người một cách "vô tư và thoải mái" vậy sao", anh Nhất Hoàng (ngụ quận 9, nơi xảy ra vụ tai nạn rạng sáng 3/4) bức xúc.

Theo số liệu thống kê thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn, chất kích thích đối với tài xế của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, đến cuối tháng 3, đơn vị này đã xử lý hơn 6.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 31 trường hợp sử dụng chất kích thích, trong đó chủ yếu là tài xế xe đầu kéo container sử dụng ma túy.

Đơn vị này đang thực hiện liên tục các đợt kiểm tra, xử lý nồng độ cồn; còn riêng chất kích thích như ma túy, các chuyên đề thực hiện chủ yếu từ công an các quận, huyện xây dựng theo kế hoạch của Công an TP.HCM và PC08 sẽ phối hợp thực hiện.

Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết thống kê đến ngày 20/3, sau khi mở đợt cao điểm triển khai kiểm tra tài xế sử dụng nồng độ cồn, chất kích thích trên địa bàn TP từ thời điểm Tết Kỷ hợi 2019, sở này đã nhận kết quả khám sức khỏe định kỳ từ khoảng 250 đơn vị kinh doanh vận tải, với hơn 41.000 tài xế. Tuy nhiên, theo đại diện Sở GTVT, nhiều doanh nghiệp (DN) không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tài xế, thậm chí có trường hợp dù đã nhắc nhở nhưng vẫn không khắc phục.

Sở GTVT cho rằng việc quản lý trực tiếp tài xế và bảo đảm đủ điều kiện sức khỏe khi lái xe là trách nhiệm của các đơn vị vận tải. Tài xế phải được khám sức khỏe định kỳ và được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, kết quả khám sức khỏe đối với các tài xế đều được DN tự kiểm tra và báo cáo. Vì vậy, nhiều người đặt vấn đề liệu những kết quả này có bảo đảm tính khách quan, khi một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích xuất phát từ chính các DN vận tải?

tai nan xe container anh 1
Đội CSGT An Lạc thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với các tài xế trên Quốc lộ 1. Ảnh: Gia Minh.

Phải làm chặt từ doanh nghiệp, chủ xe

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nhiều tài xế xe đầu kéo container và xe chạy đường dài sử dụng ma túy, chất kích thích là nhằm giữ tỉnh táo trước áp lực công việc. Theo ông, nguyên nhân chính là đang có tình trạng một số DN hạn chế thuê người lái xe, từ đó gây áp lực lớn đối với những tài xế đang làm việc và đánh vào lợi ích kinh tế của họ.

"Vì áp lực công việc và nếu muốn chạy nhanh, được thưởng nhiều thì phải tăng ca, đồng nghĩa sức khỏe khó bảo đảm, dễ bị kéo vào việc sử dụng ma túy để giữ tỉnh táo. Nếu chủ xe có trách nhiệm, nghĩ tới an toàn giao thông thì họ không làm như vậy. Tài xế sử dụng ma túy, gây tai nạn thì không thể vô can nhưng cái cốt lõi để hạn chế là cách quản lý và trách nhiệm của chủ xe",  ông Ninh thẳng thắn.

Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Lê Ninh cho rằng ngoài các biện pháp tuyên truyền, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý thì phải có sự kiểm soát đối với DN, chủ xe, tránh tình trạng tài xế bị áp lực, phải làm việc liên tục. Còn đối với những con số thống kê chỉ dựa vào báo cáo của DN thì khó hiệu quả để giải quyết vấn đề gốc.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cũng thừa nhận rất dễ có tình trạng DN "báo cáo đẹp" về kết quả kiểm tra sức khỏe đối với tài xế. Vì vậy, ngoài chuyên đề riêng từ Sở GTVT, phía Ban An toàn Giao thông TP cũng đang xây dựng nhiều kế hoạch để kiểm soát, trong đó giải pháp căn cơ là Công an TP, đơn vị y tế... phải thường xuyên kiểm tra trên đường để phát hiện và xử lý.

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, các biện pháp tuyên truyền đối với DN và công tác tập huấn cho tài xế được hiệp hội tổ chức thường xuyên nhưng rất ít người tham gia. Lý do là việc này chỉ mang tính chất khuyến cáo chứ không phải quy định, trong khi công tác hậu kiểm đối với sức khỏe của tài xế khi điều khiển xe trên đường hiện quá hạn chế, chưa hiệu quả.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM hiện có hơn 200 DN vận tải là thành viên, với khoảng 6.000 phương tiện, đa phần là xe container, xe tải nặng… Trong khi đó, mỗi DN lại có những nội quy khác nhau dẫn đến thiếu đồng bộ trong các công tác tập huấn, kiểm tra sức khỏe.

"Một trong những biện pháp để tăng cường kiểm soát thực trạng trên có thể áp dụng trong một số trường hợp, như tài xế bắt buộc phải có giấy chứng nhận đã qua tập huấn, được đào tạo qua các lớp chuyên ngành ở DN đang hoạt động hoặc hiệp hội thì mới được hoạt động", ông Quản đề xuất.

Xe đầu kéo tông sập nhà dân ở Sài Gòn, cả gia đình thoát chết

Xe đầu kéo container tông vào ôtô chở nước đá dừng bên đường, sau đó đâm sập nhà dân trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, (TP.HCM).

TP.HCM xin tạm ứng vốn cho các dự án giao thông

Ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án tuyến metro số 1 và tạm ứng 2.158 tỷ từ ngân sách Trung ương.

https://nld.com.vn/thoi-su/tri-benh-hung-than-cho-xe-container-20190414210804001.htm?fbclid=IwAR10ccBw6DZXVnix33iBT0Ked-MerIOeijFqGYRg3nmUThZ1OC-dX7hFRJM

Theo Gia Minh - Xuân Giang/ Người lao động

Bạn có thể quan tâm