Một bà mẹ ở Hà Nội hẹn bạn ra quán để trao đổi chuyện riêng và buộc phải đem con gái theo do không có ai trông nom ở nhà.
Tuy nhiên, khi đứa trẻ cất tiếng khóc, người mẹ nhận thấy nhân viên quay ra nhìn họ “với ánh mắt hình viên đạn”.
“Khi con bé giật mình tỉnh dậy và bắt đầu khóc, thật sự mình rất xấu hổ vì làm phiền đến quán. Nhưng bế con ra ngoài đường nắng bụi ngay lúc đó là một lựa chọn khó với mình. Mình đã cố gắng dỗ con nhưng bạn nhân viên thiếu kiên nhẫn, lập tức bảo mình đem con ra ngoài dỗ dành dù con bé mới cất tiếng khóc chưa được bao lâu”, người mẹ này đăng trên Facebook.
Nhiều người chỉ trích việc mẹ bỉm sữa mang con đến quán cà phê vốn yên tĩnh, dành cho dân làm việc. |
Tuy nhiên, chia sẻ của bà mẹ trẻ trái ngược với những gì một vị khách khác thuật lại. Linh, một người phụ nữ cũng ghé quán vào hôm đó, cho biết mình chứng kiến từ lúc đứa trẻ bắt đầu khóc cho đến khi hai mẹ con rời đi.
Cô khẳng định nhân viên của quán nhắc nhở người mẹ nhẹ nhàng, có thiện ý. Hơn nữa, em bé khóc rất to trong một khoảng thời gian dài, khiến những người xung quanh bị ảnh hưởng.
Những ngày qua, sự việc trên trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội, thu về hàng nghìn phản ứng trái chiều. Nhiều bình luận bênh vực, cho rằng việc con nhỏ mới chỉ 4 tháng tuổi quấy khóc là điều bình thường, cần được thông cảm.
Song không ít người lên tiếng chỉ trích bà mẹ trẻ thiếu suy nghĩ và ý thức nơi công cộng, lại còn tiếp tục lên Internet kích bác quán cà phê.
“Lắm lúc con mình khóc, mình còn hóa rồ lên ấy chứ. Vì vậy, đừng bắt người khác cũng phải chịu đựng”, Ngọc Diệp, một người mẹ có con trai 2 tuổi, sống ở Singapore, chia sẻ.
“Trẻ con mà, đâu biết gì”
Hiện nay, quán cà phê không chỉ là nơi để gặp gỡ, chuyện trò mà còn trở thành nơi học tập, làm việc của nhiều người.
Do đó, các không gian theo mô hình co-working space, chú trọng sự thuận tiện, yên tĩnh được mở ra, nhắm đến khách hàng là học sinh, sinh viên và người đi làm.
Trong sự việc trên, người mẹ trẻ đã đem con nhỏ 4 tháng tuổi tới một tiệm cà phê có phong cách như vậy. Vì thế, đa số cư dân mạng cho rằng lời chê trách quán của cô là quá vội vàng, thiếu hiểu biết.
"Mọi vấn đề chỉ dừng lại ở việc không hợp văn hóa mà thôi", tài khoản Minh Minh bình luận dưới bài đăng gây tranh cãi trên.
Xu hướng các quán cà phê yên tĩnh chuyên phục vụ nhóm khách hàng làm việc, đọc sách... ngày càng nhiều. |
Nhiều ý kiến khác bày tỏ dù em bé khóc trong quán cà phê là chuyện bất khả kháng, người mẹ không nên trách cứ nhân viên mà cần có phản ứng khác để tránh ảnh hưởng những người xung quanh.
Thực tế, đây không phải lần đầu vấn đề đưa trẻ em tới nơi công cộng nói chung và tiệm cà phê nói riêng trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Tại nhiều địa điểm, cha mẹ thường đưa con trẻ ra ngoài vui chơi vào cuối tuần hoặc tới các buổi họp mặt bạn bè. Tuy nhiên, xu hướng hiếu động, tò mò của con trẻ thường dẫn đến những hành động nghịch ngợm, la hét, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của các khách hàng khác và công việc kinh doanh của quán.
“Mình từng ngồi học ở một quán cà phê làm việc và bị một em bé đổ cà phê vào sách vở. Dù bé chỉ vô ý xô đổ cốc nước và người mẹ cũng mở lời xin lỗi, song mình khó có thể cảm thấy thoải mái trong tình huống đó”, Ngọc Linh (sinh năm 1998, Hà Nội) kể lại.
Trải nghiệm tại quán cà phê của nhiều người bị ảnh hưởng vì một số gia đình vô ý thức. |
Trẻ em cũng dễ bị ảnh hưởng khi nô đùa trong các quán cà phê. Vì không gian kín, nhiều bàn ghế, đồ đạc, các bé hoàn toàn có thể vấp ngã, va chạm, gây thương tích cho bản thân.
Tuy nhiên, lũ trẻ không phải đối tượng đáng bị chỉ trích. Ngược lại, chính các bậc cha mẹ đưa con tới những nơi công cộng mà thiếu ý thức trách nhiệm chăm sóc con cái mới là người đáng trách.
“Có hôm, mình ngồi ở một quán bánh ngọt khá nổi tiếng, thích hợp cho cả việc trò chuyện và làm việc. Có 2 người phụ nữ dẫn 3 đứa bé vào tiệm xong thản nhiên ngồi bấm điện thoại. Dù tụi nhỏ nghịch ngợm, leo trèo lên bàn ghế khiến nhân viên và khách hàng xung quanh rất khó chịu, các chị ấy chỉ xua tay rằng: ‘Trẻ con mà, đâu biết gì’”, Minh Tâm (sinh năm 1993, Hà Nội) kể lại.
Đừng bắt mọi người phải nghe tiếng khóc của trẻ
Trong những năm gần đây, không ít quán cà phê, nhà hàng ở châu Á đã giới hạn độ tuổi của trẻ em để tránh gây tiếng ồn và đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng, tiêu biểu là Hàn Quốc.
Tại xứ củ sâm, số địa điểm giới hạn độ tuổi của trẻ, chủ yếu từ 13 trở lên, xuất hiện ngày càng nhiều và được đón nhận nhiệt tình.
Kể từ khi mở cửa vào năm 2007, July, một nhà hàng Pháp cao cấp nằm phía nam thủ đô Seoul, ra quy định không phục vụ thực khách có đi kèm trẻ em từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
“Sau khi chứng kiến nhiều đứa trẻ nghịch ngợm, chui xuống gầm bàn của người khác, tôi quyết định không nhận bất kỳ thực khách nào mang con theo vào nữa vì nhóm khách hàng chính của tôi là doanh nhân”, đầu bếp Oh Se-deuk, chủ nhà hàng July, cho biết.
Ngày càng nhiều quán cà phê cấm trẻ em xuất hiện. |
My Coffee, một quán cà phê ở thành phố Seongnam, đặt tấm biển lớn trước cửa, đề rằng: “Để đảm bảo không gian yên tĩnh cho quán, chúng tôi không tiếp đón trẻ em”.
Kim Chi-ho, chủ của quán My Coffee, cho biết phần lớn khách hàng đến quán là sinh viên ôn bài. Ông muốn đảm bảo môi trường không tiếng ồn cho họ.
Tại một số nước châu Âu, mô hình quán cà phê “Adult-only”, dành riêng cho người trưởng thành, cũng đang là xu hướng được ưa chuộng.
Alan Andrews, chủ sở hữu của Old Barracks Coffee Roastery ở Ireland, cho biết quán của anh cấm trẻ em bởi anh muốn tạo ra một không gian thoải mái, nơi người lớn có thể thoải mái thưởng thức cà phê mà không phải bận tâm đến trách nhiệm làm cha mẹ.
“Mặc dù một số người không đồng tình với quan điểm này, những khách hàng khác lại hứng thú trải nghiệm môi trường thư giãn, yên tĩnh mà tôi tạo ra”, Alan chia sẻ.
Tìm kiếm địa điểm phù hợp hơn
Mặc dù làm mẹ là “thiên chức” của người phụ nữ, đa số thừa nhận rằng chăm con là một công việc bận rộn và vô cùng mệt mỏi.
Đặc biệt, đối với những người lần đầu làm mẹ, quanh quẩn suốt ngày với trẻ sơ sinh trong 4 bức tường dễ khiến họ cảm thấy bí bách.
Vì vậy, việc các bà mẹ ra ngoài đi cà phê, gặp mặt và trò chuyện với bạn bè để giải tỏa tâm lý hoàn toàn dễ hiểu. Phần lớn trường hợp, họ đều phải mang theo con đi do không có người trông nom ở nhà.
Những quán cà phê kết hợp giữa sân chơi cho trẻ và không gian chuyện trò cho phụ huynh dần được đón nhận ở Việt Nam. Ảnh: Gody. |
“Bản thân mình cách đây 7 năm cũng thấy trẻ con khóc lóc ở nơi công cộng rất ồn ào và phiền toái. Nhưng khi có con rồi, mình lại cảm thông với các mẹ bỉm sữa”, Trang Nhật, một người mẹ 2 con, cho biết.
Hầu hết cha mẹ đều muốn con cái cư xử đúng mực và lịch sự, nhất là tại nơi công cộng. Tuy nhiên, dạy bảo chúng là một thử thách đối với sự kiên nhẫn của phụ huynh.
Nhiều lúc, do quá nản chí, họ mặc cho các con “tung hoành” ở những quán cà phê, nhà hàng… và vô tình gây phiền toái cho những vị khách bên cạnh.
“Rất khó để giữ trẻ con trật tự. Lắm lúc con mình khóc, mình còn hóa rồ lên ấy chứ”, Ngọc Diệp, một người mẹ có con trai 2 tuổi, sống ở Singapore, thừa nhận.
Để tránh được những tranh cãi không đáng có, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu và lựa chọn không gian phù hợp với trẻ em.
Tại Việt Nam, xu hướng mở quán cà phê cho các bé đang dần được quan tâm. Những quán cà phê kết hợp giữa sân chơi cho trẻ và không gian chuyện trò cho phụ huynh dần được đón nhận.
Cha mẹ vừa có thể tận hưởng ngày nghỉ, con cái có khu vực chơi đùa riêng mà không sợ ảnh hưởng đến những người xung quanh.
"Nếu đi cùng con nhỏ, mình sẽ ưu tiên các quán dành cho gia đình. Như vậy, trẻ em vừa không làm phiền đến người khác, vừa có những trải nghiệm tốt nhất", Lan Anh (sinh năm 1989), một người mẹ sống ở Hà Nội, chia sẻ.