Bệnh quai bị còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ, hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị gây ra.
Tháng 11, một ổ dịch đã bùng phát tại một trường tiểu học ở TP.HCM, với liên tiếp 13 trẻ bị bệnh. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở trẻ trai, hoặc viêm buồng trứng ở trẻ gái, và có thể dẫn đến vô sinh ở tuổi trưởng thành, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.
Bệnh lây truyền thế nào?
Bệnh do virus lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần. Thời gian lây từ 6 ngày trước khi bệnh toàn phát sưng tuyến mang tai, cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.
Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da vùng sưng không nóng và không sung huyết. |
Biểu hiện của bệnh
Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần.
Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc. Tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.
Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở, phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày.
Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững khi đã mắc bệnh dù sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai, nên ít khi bị quai bị lần 2.
Biến chứng viêm tinh hoàn của bệnh quai bị
Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn là biến chứng thường gặp của bệnh quai bị ở nam giới sau tuổi dậy thì. Tỷ lệ có biến chứng viêm tinh hoàn có thể từ 20-35%. Biến chứng này thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày, nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời.
Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Trong những trường hợp còn lại, quá trình sinh tinh có thể trở về bình thường.
Quá trình teo tinh hoàn sẽ diễn tiến trong vòng 1-6 tháng sau đợt viêm cấp tính. Quá trình sinh tinh sẽ giảm dần và có thể mất hẳn. Teo mô tinh hoàn có thể do tác động trực tiếp của virut hoặc thứ phát do thiếu máu cục bộ trong quá trình mô bị viêm, phù.
Viêm cả hai bên tinh hoàn (khoảng 15%) sẽ dẫn đến vô sinh hoàn toàn. Nam giới sau tuổi dậy thì khi bị quai bị cần chú ý đến biến chứng viêm tinh hoàn. Viêm buồng trứng ở nữ giới bị quai bị rất hiếm gặp và ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Phòng chống biến chứng khi mắc quai bị
Trẻ nhỏ khi được 1 tuổi nên được tiêm vắc-xin phòng quai bị. Người bị bệnh quai bị tốt nhất nên vào viện khám và điều trị, nên cách ly với mọi người xung quanh, nhất là những bé trai chưa bị quai bị lần nào thì không nên tiếp xúc với người bị quai bị.
Nên cách li bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi trẻ mắc quai bị, bố mẹ cần đưa đến khám bác sĩ ngay để được hướng dẫn điều trị và chăm sóc hạn chế tối đa những ảnh hưởng có thể xảy ra. Vì quá trình teo tinh hoàn sẽ diễn tiến từ từ sau đợt viêm cấp tính.
Để duy trì khả năng sinh sản, những người mắc bệnh quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn, đặc biệt ở thanh niên chưa lập gia đình hoặc chưa có con có thể đến các trung tâm điều trị vô sinh để xin trữ lạnh tinh trùng khi chất lượng tinh trùng chưa giảm nhiều.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể kháng quai bị, kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6-7 tuần.
Số lần tiêm:
Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1: lúc 9 tháng tuổi; lần 2: sau lần 1 sáu tháng; lần 3: khi trẻ từ 4-12 tuổi;
Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1: lúc 12 tháng tuổi; lần 2: từ 4-12 tuổi;
Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị;
Trong trường hợp không có chống chỉ định, vắc-xin cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.
Phòng bệnh quai bị thụ động với globulin miễn dịch, dùng cho người tiếp xúc với virus quai bị mà chưa được tiêm vắc-xin trước đó.