Thông tin được PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), cho biết tại buổi tập huấn tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi do Bộ Y tế tổ chức.
Phản ứng thường gặp ở vaccine Pfizer
Khác với lọ vaccine tiêm cho người trưởng thành, lọ vaccine Pfizer dùng để tiêm cho trẻ em có nắp màu vàng cam.
Trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine Pfizer (Comirnaty) đường bắp, liều 0,2 ml, lịch tiêm 2 mũi, cách nhau 4 tuần.
Mức độ | Phản ứng thường gặp |
Rất thường gặp | Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm. Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 đến 11 là đau tại vị trí tiêm (trên 80%), kiệt sức (trên 50%), đau đầu (trên 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (trên 20%), đau cơ và ớn lạnh (trên 10%). |
Thường gặp (tỷ lệ gặp khoảng từ 1 đến 10%) | Buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm. |
Ít gặp (tỷ lệ gặp khoảng từ 0,1 đến 1%) | Nổi hạch, các phản ứng quá mẩn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm. |
Rất hiếm gặp (tỷ lệ gặp dưới 0,01%) | Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. |
Phản ứng thường gặp ở vaccine Moderna
Vaccine Spikevax (Moderna Covid-19 vaccine) có đặc điểm bên ngoài là dạng hỗn dịch tiêm có màu trắng đến trắng ngà. Liều cho trẻ em 0,25 ml chứa 50 mcg vaccine Covid-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipid), tức bằng 1/2 so với liều của người trưởng thành.
Bộ Y tế đề nghị vaccine Moderna chỉ tiêm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, tuyệt đối không tiêm cho trẻ 5 tuổi. Trẻ tiêm vaccine Moderna tiêm 2 mũi, cách nhau 4 tuần.
Mức độ | Phản ứng thường gặp |
Rất thường gặp (tỷ lệ khoảng 1/10 trẻ) | Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (52,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn (29,3%), sưng/đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%), đau khớp (21,3%). |
Thường gặp (tỷ lệ gặp từ 1 đến 10%) | Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. |
Ít gặp (tỷ lệ gặp từ 0,1 đến 1%) | Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. |
Hiếm gặp (tỷ lệ gặp từ 0,01% đến 0,1%) | Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da. |
Rất hiếm gặp (tỷ lệ gặp dưới 0,01%) | Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. |
Tần suất không xác định | Phản vệ, quá mẩn, đau bụng. |
Trẻ nhỏ không thể tự nhận biết các bất thường
Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), định nghĩa phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng bất thường về sức khỏe, bao gồm biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân xảy ra sau tiêm.
Các phản ứng thông thường thường nhẹ, tự khỏi như ngứa, sưng, đau hoặc đỏ ở vị trí tiêm, sốt, khó chịu, mệt mỏi... Tuy nhiên, phản ứng nặng hơn, trẻ có thể gặp nguy hiểm tính mạng, để lại di chứng hoặc tử vong.
Em bé mắc Covid-19 được mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Danh. |
Do đó, TS Hải lưu ý các dấu hiệu bất thường cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ quan y tế khi trẻ:
- Kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng.
- Đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi.
- Khó thở: Khi hoạt động bình thường, khi nằm.
- Sốt cao khó hạ nhiệt độ hoặc kéo dài hơn 24 giờ.
- Vân tím trên da.
- Phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ.
PGS.TS Dương Thị Hồng đề nghị trẻ sau khi tiêm vaccine cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, sau đó tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
"Trong 3 ngày đầu sau tiêm, luôn luôn phải có người hỗ trợ trẻ 24/24, tránh vận động mạnh. Ngay cả buổi đêm, khi gia đình và trẻ đã ngủ, vẫn cần bố trí người kề cạnh trẻ để theo dõi, bởi trẻ nhỏ không tự nói, nhận được biết các phản ứng", bà Hồng lưu ý.
Lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho biết các tài liệu từ nước ngoài cho thấy phản ứng trầm trọng sau tiêm vaccine ở trẻ nhỏ dưới 11 tuổi thấp hơn so với trẻ lớn 12-17 tuổi, phản ứng nặng càng ít gặp hơn. Tuy nhiên, các địa phương tổ chức tiêm chủng nghiêm ngặt, tuyệt đối không được chủ quan.