Tại thời điểm kiểm tra cơ sở sản xuất ở ngõ 15 đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, lãnh đạo công ty xuất trình được giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh và các chứng từ liên quan. Tuy vậy, lực lượng chức năng kiểm tra tại kho chứa thành phẩm, đã phát hiện cùng sản phẩm Boganic có hai nhãn hàng ghi thành phần không giống nhau. Một nhãn hàng có ghi cao atiso, cao biển súc, cao bìm bìm và tá dược. Một nhãn hàng khác ghi các thành phần gần tương tự như trên nhưng thay cao biển súc bằng rau đắng đất.
Quản lý thị trường Hà Nội đã tạm thu hơn 50.000 hộp thuốc Boganic của Traphaco, do cùng một nhãn hàng nhưng thành phần lại khác nhau. |
Theo khai nhận của công ty, mặc dù thành phần thuốc ghi khác nhau nhưng thực tế sản phẩm này cùng một nhãn hàng. Khi thu mua nguyên liệu sản xuất, người dân gọi rau đắng đất là rau biển súc, nên đơn vị sản xuất ghi theo cách gọi của người dân.
Tất cả thành phẩm sản xuất từ năm 2013 đều ghi thành phần có rau biển súc, nhưng từ ngày 2/1/2014, công ty ghi lại thành phần là rau đắng đất. Tuy vậy, lực lượng quản lý thị trường phát hiện tại lô sản phẩm 320 sản xuất ngày 3/1/2014 vẫn ghi thành phần rau biển súc. Lực lượng chức năng quyết định tạm thu 45.428 hộp Boganic (mỗi hộp 5 vỉ, mỗi vỉ 10 viên) tại kho hàng trên.
Mở rộng kiểm tra một đại lý là quầy thuốc 207 trung tâm phân phối dược và thiết bị y tế Hapu tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ 6.734 hộp có dấu hiệu vi phạm tương tự.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội quản lý thị trường số 14 cho biết, theo Nghị định 185/CP, dấu hiệu vi phạm của nhãn hàng Boganic có yếu tố làm giả giữa dược liệu ghi trên nhãn khác với thực tế. Còn Cục quản lý Dược khẳng định, biển súc phân bố ở Việt Nam là không xác định. Lực lượng chức năng đã tạm thu, niêm phong tại cơ sở toàn bộ số thành phẩm trên để xác minh, làm rõ.