Lúc nửa đêm, khi hầu hết mọi người đều đang say giấc nồng, Cui Yunkai, 21 tuổi, bắt đầu làm việc. Trong 4 giờ làm việc, Yunkai thu các bài hát nhạc pop của Trung Quốc và quay video đăng tải trực tiếp lên mạng. Các biểu tượng cảm xúc gồm nhiều hoa hồng, trái tim, bàn tay vỗ chạy dọc màn hình trong suốt chương trình của cô. Video nhận được vô số bình luận như: “Bạn hát thật tuyệt vời”, “tuyệt vời”…
Theo iiMedia Research, Trung Quốc hiện có hơn 200 kênh live-stream (xu hướng truyền tải video trực tiếp qua Internet) như thế này với tổng giá trị lên tới 9 tỷ nhân dân tệ (1,3 tỷ USD). Hiện nước này cũng có ít nhất một trường đại học có đào tạo ngành “nổi tiếng mạng” như một nghề.
Giới chức Trung Quốc cũng đang cố gắng tìm cách làm luật để kiểm soát thị trường này. Theo dự đoán của iiMedia, vào cuối năm nay, thị trường này sẽ thu hút được một nửa người dùng Internet tại Trung Quốc.
Trên các ứng dụng lớn như Ingkee, Douyu và Qiqi, người hâm mộ tặng cho các “nữ hoàng live-stream” những món quà ảo trong suốt chương trình live-stream. Cứ mỗi 5 biểu tượng bông hồng cho Cui Yunkai tương đương một món quà trị giá 13,4 nhân dân tệ (2 USD).
Kênh live-stream sẽ giữ một nửa số tiền này, còn người quay live-stream và đại lý của họ chia nhau nửa còn lại. Trên Qiqi, người hâm mộ được gắn nhãn dựa trên số tiền họ bỏ ra. 7,5 USD được gắn nhãn “người giàu”, “Hoàng đế” được gắn cho người chịu chi tới 750.000 USD.
Công việc buổi tối mang về cho Cui Yunkai khoảng 40.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 6.000 USD), cao gấp 10 lần mức thu nhập trung bình tại tỉnh Hà Nam – quê hương cô. Cô có 5.000 người hâm mộ - những người tự xưng là “Quân đội của Cui” – chỉ sau vài tháng thực hiện live-stream. Cô xếp thứ 15 trong 70.000 chủ mục live-stream trên Qiqi vào tháng 8. Mỗi chương trình live-stream của cô thu hút tới 1.800 người xem.
“Ban đầu, tôi làm việc khoảng 6 – 7 tiếng một ngày, ngồi trước máy tính và nói chuyện với người xem. Thi thoảng tôi còn quên cả ăn”, Cui chia sẻ.
Điểm khác biệt giữa các kênh live-stream của Trung Quốc so với các site như Youtube, Twitter là họ khai thác tiền trực tiếp từ người xem.
Thị trường béo bở này thu hút nhiều công ty lớn. Trong tháng 8, kênh live-stream Douyu cho biết đã huy động được 226 triệu USD từ hãng công nghệ khổng lồ Tencent Holdings Ltd. Năm ngoái, Wang Sicong, con trai của người giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin, thuộc hội đồng quản trị tập đoàn giải trí Wanda Group, cũng cho ra mắt ứng dụng live-stream Panda TV.
Kênh live-stream Youky Tudou của tập đoàn Alibaba cũng ra mắt vào năm 2014. Năm ngoái, công ty này đầu tư vào Huomao TV, một kênh live-stream game. Hãng sản xuất điện thoại Xiaomi Corp. cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi cho ra mắt kênh live-stream Mi Live hồi đầu năm nay.
Theo hãng nghiên cứu Quest Mobile, Ingkee hiện là kênh live-stream số một với gần 7 triệu tài khoản hoạt động hàng ngày.
Ingkee hiện là kênh live-stream số một tại Trung Quốc. |
Giới người nổi tiếng cũng tham gia nhiệt tình vào trào lưu này. Vận động viên bơi Olympic Fu Yuanhui, người đã chiếm trọn trái tim người hâm mộ Trung Quốc với huy chương vàng, cũng có hơn 11 triệu người xem trong một video live-stream hồi tháng 8.
Theo tờ báo chính thức của Quân độ Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, một người lính cũng có những chương trình live-stream riêng của mình với các video như hát, hướng dẫn chống đẩy… Tuy nhiên, do lo sợ việc này sẽ vô tình làm lộ bí mật quân sự, cấp trên của anh ta đã ra lệnh cấm hoạt động này.
Trong số những “nữ hoàng live-stream” hàng đầu, Cao Anna, 26 tuổi, kiếm được khoảng 1 triệu nhân dân tệ mỗi tháng và từng nhận được tới 260.000 nhân dân tệ cho 2 giờ streaming.
Nhưng những lần được trả hậu hĩnh như vậy khá hiếm. Sau hai tháng hoạt động trên Panda TV, Zi Han, 21 tuổi, kiếm được khoảng 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng. “Đây là công việc vất vả. Tôi phải nói và hát liên tục trong 3 giờ, dù chỉ có vài người xem”, cô chia sẻ.
Vừa qua, Cao đẳng thương mại và công nghiệp Yiwu tại Chiết Giang đã tuyển 25 trong số 3.000 sinh viên năm nhất tham gia khóa đào tạo live-stream. Trường này cho biết một số cựu sinh viên của khóa học này có tới hơn 10.000 người hâm mộ. Khóa học gồm các lớp học về quy tắc lịch sự, nhảy và tập thể dục. Trong kỳ thi cuối khóa, sinh viên phải tạo dáng với nhiều tư thế trong khoảng thời gian quay trực tiếp khoảng 30 giây.
Giới chức trách nước này đang cố gắng kiểm soát thị trường đang phát triển nhanh chóng này.
Trong bản thông báo yêu cầu cấp phép live-stream mới đưa ra hồi đầu tháng này, Cục quản lý báo chí, xuất bản, truyền thanh, truyền hình nước này cho biết chương trình live-stream không được chứa các nội dung bất hợp pháp, dung tục, tôn thờ vật chất…
Gu Feng, cựu quản lý kênh giải trí YY, cho rằng các quy định này sẽ khiến những “người chơi” nhỏ sẽ không đủ vốn và không đáp ứng các điều kiện khác để được cấp phép. Việc chính quyền tăng cường giám sát đồng nghĩa với việc “giai đoạn phát triển nguyên thủy của thịt rường này đã qua”, Gu nói.
Theo ông Gu, trào lưu live-stream thu hút được đông đảo người tham gia bởi hai lý do, đó là sự nhàm chán và cô đơn. “Người hâm mộ trả tiền để những người nổi tiếng trên mạng nói chuyện với họ”, ông nói.
Từ tháng 8 đến nay, Song Xinan, 22 tuổi, nhân viên tại một cửa hàng cầm độ tại Cáp Nhĩ Tân, đã chi hơn 2.000 nhân dân tệ để mua quà ảo cho Cui. “Không giống những cô gái trên Qiqi, Cui không phải loại đạo đức giả và ham tiền”, Song nói.