Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh tụng về bảo hộ tác quyền 'Nhật ký Anne Frank'

Các phiên bản của tác phẩm nổi tiếng "Nhật ký Anne Frank" có thể được sao chép một phần để phục vụ nghiên cứu khoa học.

Đó là phán quyết mới nhất của tòa án Amsterdam (Hà Lan) trong việc giải quyết tranh tụng về thời hạn bảo hộ tác quyền.

Theo Công ước Bern về tác phẩm văn học, nghệ thuật mà 168 nước đã ký kết (trong đó có Hà Lan), tác giả hưởng tác quyền suốt đời cộng thêm ít nhất 50 sau khi mất.

Nước tham gia Công ước Bern có thể kéo dài thời gian hưởng tác quyền. Chẳng hạn, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan và nhiều nước châu Âu khác nâng thời gian hưởng tác quyền thành 70 năm sau khi mất.

Vì Anne Frank mất năm 1945 nên Nhật ký Anne Frank hết hạn tác quyền từ đầu năm 2016 ở các nước trên.

Tuy nhiên, ngày 6/10/2015, Quỹ Anne Frank - tổ chức quản lý tác quyền Nhật ký Anne Frank có trụ sở ở Basel (Thụy Sĩ) - đưa ra hai lý do phản bác chấm dứt tác quyền vào đầu năm 2016. Thứ hai, bản gốc Nhật ký Anne Frank được xuất bản lần đầu năm 1986. Tác phẩm này được hưởng quy chế đặc biệt dành cho di cảo và chỉ hết hạn tác quyền vào đầu năm 2037. Thứ nhất, khi xuất bản Nhật ký Anne Frank năm 1947, Otto Frank đã thay đổi một số tên người và bỏ bớt một số đoạn trong tác phẩm. Vì vậy, Otto Frank là đồng tác giả của phiên bản Nhật ký Anne Frank 1947. Otto Frank mất năm 1980 nên tác quyền của phiên bản 1947 chỉ hết hạn vào cuối năm 2050.

Để giải quyết tranh chấp, tòa án Amsterdam đã đưa ra một phán quyết dung hòa dựa vào luật sở hữu trí tuệ và luật nghiên cứu khoa học. Các thẩm phán cho rằng không áp dụng bảo hộ tác quyền khi tác phẩm được trích đoạn để nghiên cứu khoa học.

Hộ chiếu của Anne Frank và các trang nhật ký di cảo - Ảnh: AFP

Nhật ký Anne Frank là những ghi chép cá nhân của cô gái Đức gốc Do Thái Anne Frank (1929-1945) trong hai năm trốn tránh phát xít Đức tại Amsterdam cùng gia đình và bốn người bạn.

Anne Frank bắt đầu ghi chép ngày 12/6/1942, ngừng ghi ngày 1/8/1944, vài ngày trước khi bị bắt. Cô mất trong trại tập trung Bergen-Belsen vào năm 1945 vì bệnh sốt phát ban.

Otto Frank - cha của Anne Frank - cho xuất bản Nhật ký Anne Frank lần đầu tại Hà Lan ngày 25/6/1947. Đến nay, tác phẩm được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và bán được 30 triệu bản.

Ở Việt Nam, Nhật ký Anne Frank ra mắt độc giả qua bản dịch từ tiếng Pháp của Bửu Ý (An Tiêm - 1967) và bản dịch từ tiếng Anh của Đặng Kim Trâm (Hội nhà văn - 2006).


http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20151231/tranh-tung-ve-bao-ho-tac-quyen-nhat-ky-anne-frank/1030636.html

Theo Công Khanh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm