Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tránh mua nước mắm Phú Quốc do Thái Lan sản xuất

Phát biểu tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định cần tránh tình trạng mua các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nhưng do nước khác sản xuất.

 

Thủ tướng nêu tầm nhìn cho ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải trở thành nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao, không chỉ ở Đông Nam Á, mà cả châu Á trong tương lai. 

"Thực hiện tầm nhìn này là 1 trong những sứ mệnh khó khăn nhất trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá", ông Phúc nói. 

Không thể làm theo cách truyền thống

Nuoc mam phu quoc do Thai Lan san xuat anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hải An

Hạn hán, thiên tai, biến đổi khí hậu là những thách thức đang diễn ra ở ĐBSCL, ảnh hưởng đến nỗ lực thực hiện tầm nhìn trên.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, sự sụt giảm sản lượng ở ĐBSCL không chỉ đặt ra nguy cơ với Việt Nam mà cả các nước liên quan trong khu vực, tác động rõ nét đến giá lương thực, tình hình an ninh lương thực toàn cầu. 

Ông yêu cầu các tỉnh, thành ở ĐBSCL cần xây dựng những mục tiêu mới để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết bất thường đã và đang diễn ra.

Ông cũng lưu ý các tỉnh "đặc biệt chú trọng" về quy hoạch đê điều, hồ chứa để bảo đảm khả năng an toàn và dự phòng khi tình hình bất thường; nâng cấp hệ thống tưới tiêu theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tối ưu hoá theo từng loại cây trồng; nhanh chóng phục hồi sinh thái, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững để bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân.

“Không thể làm hoàn toàn theo truyền thống cũ được”, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh. 

Dẫn ví dụ về Nhật Bản, Israel hay bang California của Mỹ, vùng đất cằn cỗi, hạn hán nhưng phát triển nông nghiệp tốt, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các tỉnh xây dựng phương án tiết kiệm nước và phòng vệ sẵn sàng cấp nước trong những thời điểm xấu nhất.

Liên kết thay vì cạnh tranh nội bộ

Cho rằng khu vực phát triển chưa tương xứng, Thủ tướng cũng chỉ ra các nguyên nhân, bao gồm sự thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các tỉnh, thiếu kế hoạch liên kết vùng.

"Cần hình thành liên kết vùng, tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ. Xác định rõ vai trò trách nhiệm của các địa phương tạo ra chuỗi liên kết về năng lực và dịch vụ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Phúc chỉ đạo.

Nuoc mam phu quoc do Thai Lan san xuat anh 2
Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Đại sứ quán các nước Australia và Hà Lan cùng một số cơ quan quốc tế phối hợp tổ chức. Ảnh: Hải An 

Thủ tướng cũng trăn trở với thực trạng các thương hiệu sản phầm của vùng. Ông đề nghị chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi chứ không chạy theo số lượng.

“Là vựa lúa lớn của cả nước, ĐBSCL vẫn chưa tận dụng uy tín thương hiệu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, nên giá trị xuất khẩu không tăng, thậm chí còn kém hơn gạo thương hiệu Campuchia. Chất lượng thuỷ hải sản chưa ổn định, tư duy thị trường manh mún, nên sản phẩm chưa được đa dạng để đáp ứng nhu cầu cao cấp của thị trường, qua đó chưa xác lập uy tín thương hiệu của vùng."

Hơn nữa, các loại trái cây đặc trưng của ĐBSCL với hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao như bưởi năm roi của Hậu Giang, Sóc Trăng, bưởi da xanh Bến Tre, quýt Hồng Lai của Đồng Tháp, thanh long ở Tiền Giang…

“Những nông sản này cần đi khắp thế giới, trở thành những loại trái cây cao cấp, hiện diện trong những hệ thống siêu thị Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…”, Thủ tướng nói.

“Chúng ta cần tránh tình trạng ở Mỹ rằng mọi người mua nước mắm thương hiệu Phú Quốc của Việt Nam nhưng do Thái Lan sản xuất, hoặc các nước nhập giống cây của Thái về trồng, nhưng trong khi ta hoàn toàn có thể làm được hoặc làm tốt hơn. Chẳng hạn, Việt Nam có mít tố nữ, có thể nói là loại mít có hương vị độc đáo và đặc biệt nhất”, Thủ tướng Phúc dặn.

Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2016 với chủ đề  "Vì ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng khí hậu" diễn ra sáng 27/6 tại TP HCM. Diễn đàn do Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Đại sứ quán các nước Australia và Hà Lan cùng một số cơ quan quốc tế phối hợp tổ chức. 

EU hỗ trợ hạn mặn tại Việt Nam

Liên minh châu Âu (EU) quyết định tài trợ 90.000 euro cho người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam, đặc biệt ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Cảnh Toàn

Clip: Trương Khởi

Bạn có thể quan tâm