Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi một số quy định của Nghị định 30/2021 và Nghị định 49/2021. Đây là 2 nghị định mới được Chính phủ ban hành và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, phát triển nhà ở xã hội.
HoREA cho rằng cần phải sửa nghị định mới ban hành và đề xuất việc cho doanh nghiệp có thể làm dự án nhà ở trên miếng đất không được cấp phép với mục đích để ở.
HoREA đề xuất sửa đổi một số quy định trong Nghị định 30/2021/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP nhằm tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Ảnh: Chí Hùng. |
Kiến nghị làm dự án không chỉ trên đất ở
Trong đó, HoREA cho rằng không chỉ nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở mới có thể xây dựng dự án nhà ở thương mại. Quy định này không phù hợp và không thống nhất với các nghị định trước đó.
Hiệp hội đề xuất xác định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại là những nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở.
Những năm gần đây, TP.HCM khan hiếm dự án bất động sản mới, khiến giá nhà liên tục tăng cao. Ảnh: Chí Hùng. |
Bên cạnh đó, đối với các dự án nhà ở xã hội, HoREA cũng kiến nghị bổ sung, cho phép nhà đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được làm chủ đầu tư.
Theo HoREA, những sửa đổi, bổ sung này sẽ tháo gỡ ách tắc, vướng mắc đối với tất cả dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, nhằm tăng nguồn cung sản phẩm, từ đó kéo giảm giá nhà đang ở mức rất cao.
"Điều này đồng thời góp phần "bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động" như thực tế đang diễn ra trong thời gian gần đây", HoREA nêu rõ.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguồn cung căn hộ ở TP.HCM năm 2020 giảm 15-20% so với năm trước đó, nguyên nhân chủ yếu là khan hiếm dự án được triển khai.
Theo đó, trong khoảng 2 năm gần đây, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp rất nhiều khó khăn ở tất cả các khâu quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường... Một trong những khó khăn là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây cũng là điều mà HoREA nhiều lần kiến nghị tháo gỡ.
Bộ Xây dựng không đồng ý
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), đã trả lời về đề nghị của HoREA trong việc bổ sung thêm trường hợp “nhà đầu tư có quyền sử dụng loại đất khác không phải là đất ở” cũng được chấp thuận chủ trương đồng thời với việc công nhận nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.
Ông Khởi cho biết theo quy định tại Điều 22 của Luật Nhà ở 2014 thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua 3 hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có đủ điều kiện làm chủ đầu tư theo quy định.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh: Hiếu Công. |
Tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở 2014: "Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng sang làm đất ở".
Do đó, ông Khởi cho biết Nghị định 30/2021 đã quy định có 3 trường hợp được chấp thuận chủ trương đồng thời với công nhận chủ đầu tư dự án như trên. Trường hợp thứ hai là bổ sung thêm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020.
"Đối chiếu với quy định của Luật Nhà ở 2014 và Luật Đầu tư 2020 thì kiến nghị đề nghị bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư chỉ cần có quyền sử dụng đất không phải là đất ở cũng được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại là không phù hợp với quy định", ông Khởi nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cũng cho biết Nghị định 30 ra đời với mục đích quy định lập ra kế hoạch phát triển cụ thể cho từng địa phương, kèm theo những điều kiện ràng buộc nhất định. Ví dụ, tỉnh A dự kiến phát triển bao nhiêu triệu m2, cho nhóm đối tượng người dân nào, từ đó tránh gây ra tình trạng thừa hay thiếu bất động sản nhà ở.