Câu chuyện tăng trưởng kinh tế có hay không phụ thuộc vào dầu thô và khai thác khoáng sản được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận khá gay gắt vào sáng nay (25/5), khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
Vấn đề bắt đầu khi, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, lưu ý một số vấn đề mà ông cho là "những khoảng lặng của tăng trưởng".
"Một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%). Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh, dịch vụ không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ông Hàm nói.
Không đồng tình với phát biểu của ông Hàm, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) giơ biển tranh luận. Ông không đồng ý việc nói tăng trưởng phụ thuộc vào dầu thô và dẫn ra số liệu vào năm 2016, Việt Nam khai thác 15,2 triệu tấn. Đến năm 2017 kế hoạch là 13,28 triệu tấn, thực tế khai thác được 13,557 triệu tấn.
“Năm 2017 khai thác vượt kế hoạch khoảng 200.000 tấn. Nhưng so với 2016 thì khai thác hụt 1,643 triệu tấn. 1 triệu tấn dầu thô đóng góp 0,25% vào tăng trưởng GDP. Chúng ta hút ít hơn 2016 thì phải là tăng trưởng âm về dầu thô”, ông nói.
Tương tự về khai thác than, năm 2017 khai tác 38,735 triệu tấn. Năm 2018 kế hoạch là 40,2 triệu tấn. Thực Chính phủ chỉ cho khai thác 38,237 triệu. Như vậy thấp hơn chỉ tiêu khoảng gần 2 triệu tấn than.
“Một triệu tấn than đóng góp vào 0,014 điểm tăng trưởng. Khai thác hụt 2 triệu tấn than thì tăng trưởng chúng ta giảm đi bao nhiêu. Tôi nhấn mạnh nhiều chỉ tiêu khai thác khoáng sản năm 2017 giảm so với 2016. Không thể nói tăng trưởng GDP 2017 phụ thuộc vào khai khoáng được”, ông Chiểu nói và đặt câu hỏi không rõ đại biểu phát biểu trước mình lấy số liệu ở đâu ra.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng phải làm rõ vai trò của dầu thô trong phát triển kinh tế. Ảnh: Quân Minh. |
Trong lúc ông Chiểu vẫn còn tranh luận thì đại biểu Hoàng Quang Hàm đã giơ biển bày tỏ ý trao đổi lại.
"Đại biểu Chiểu nói rằng không biết tôi lấy số liệu ở đâu ra? Xin báo cáo lại với đại biểu Trần Quang Chiểu là trong báo cáo số 93 của Chính phủ ngày 16/5/2018 đã đề cập đến con số sản lượng dầu năm 2017 là 13,57 triệu tấn, khai thác vượt kế hoạch 1,29 triệu tấn. Cái này tác động đến GDP bởi chúng ta vượt kế hoạch đầu ra", ông Hàm nói.
“Tôi đánh giá cao Chính phủ khi thoát lệ thuộc tăng trưởng vào dầu thô, khoáng sản, vì đây là của để dành. Nhưng bức tranh tăng trưởng thì phải nhìn nhận thực chất. Dầu thô không phải xuất phát sản xuất kinh doanh, không phải nội lực nền kinh tế, nên cần phải lưu ý”, ông Hàm nhận xét.
Cũng giơ biển tranh luận với đại biểu Hàm, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) cho rằng cách nói của ông Hàm có thể gây cho cử tri những hiểu nhầm về việc tăng trưởng có phụ thuộc vào dầu thô.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng, trong báo cáo của Chính phủ có nói năm 2017, tổng thu ngân sách là 1,288 triệu tỷ đồng. Trong đó thu dầu thô chỉ là 49.580 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,85%. Ông đánh giá đây là con số đóng góp không lớn.
Ngoài ra, tăng thu ngân sách trong năm 2017 là 76.480 tỷ, thì tăng thu từ dầu thô chỉ là 11.280 tỷ đồng (14,75%).
“Cách phát biểu của đại biểu Hàm dễ làm cho cử tri dễ hiểu nhầm tăng trưởng GDP phụ thuộc vào dầu thô. Đồng ý với đại biểu Hàm dầu thô tăng đóng góp vào tăng trưởng, nhưng không phải tăng trưởng kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào dầu thô. Tăng ngân sách vẫn chủ yếu từ thu nội địa, tăng 41.880 tỷ đồng, chiếm 54,7%”, ông nói.
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội cũng cho rằng mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhưng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phản hồi rằng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chưa nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông chỉ ra kinh tế xã hội lần đầu tiên sau nhiều năm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, không chỉ vượt kế hoạch mà cũng là mức cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Phó thủ tướng đặt câu hỏi: “Kết quả như vậy mà ta nói phụ thuộc dầu thô than đá thì có đúng không? Mấy năm nay (2016-2017) công nghiệp than đá và dầu tăng trưởng âm”.