Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh luận nảy lửa vẫn chưa chốt được mức lương tối thiểu

Dự kiến kết thúc trong buổi sáng, nhưng phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về phương án tăng lương tối thiểu vùng phải kéo dài cả ngày nhưng vẫn chưa có tiếng nói chung.

Đời sống công nhân “buồn thê thảm”

Buổi họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH), Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia (TLQG) Phạm Minh Huân. Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Mai Đức Chính - đại diện cho người lao động (NLĐ) - trình bày quan điểm và phương án đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) của Tổng LĐLĐVN.

Theo đó, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 350.000-550.000 đồng tùy từng vùng, với mức tăng bình quân là 16,8% so với năm 2015. Theo ông Chính, cơ sở để Tổng LĐLĐVN đưa ra phương án tăng như trên, là do tình hình kinh tế xã hội 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 được Chính phủ đánh giá là rất khả quan: GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,28% và số doanh nghiệp (DN) mới thành lập, DN tiếp tục hoạt động tăng lên.

“Hơn nữa, việc tăng LTT vùng đảm bảo lộ trình đến năm 2017, tiền LTT phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Để đảm bảo lộ trình này, mức tăng năm 2016 phải đáp ứng 90% mức sống tối thiểu để năm 2017 đạt 100%”, ông Chính cho biết.

“Vừa rồi, chúng tôi đi khảo sát thì thấy cuộc sống của CNLĐ rất khổ cực. Họ làm lụng vất vả mà không có tích lũy. Nhiều CNLĐ xin được tăng ca, vì tăng ca họ có được thêm tiền, được thêm một bữa ăn”, ông Chính chia sẻ.

Tranh luận ở phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 5/8.

Tranh luận ở phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 5/8.

Ông Đặng Minh Thuần - Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ TP.Hà Nội - dùng từ “buồn thê thảm” khi nói về đời sống CN hiện nay. “Có trường hợp CN đi viện mà không có đồng nào, chủ nhà trọ phải ứng tiền đóng viện phí. Lại có trường hợp chủ nhà phải cho công nhân (CN) 200.000 đồng để về quê, vì không có việc”, ông Thuần chia sẻ.

Ông Thuần cũng nói thêm, việc tính toán mức sống tối thiểu cần phải chú ý đến vấn đề chi phí nhà trẻ cho con CN. Bởi CN thường phải gửi ở các trường tư thục với số tiền phải chi trả rất cao. Ngay từ năm 2014, gửi trẻ đã phải mất 1,4 triệu đồng một cháu.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Hội đồng TLQG, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - đồng tình khi cho rằng, lương CN tăng cần đảm bảo mức sống tối thiểu, và tăng theo lộ trình. Nhưng theo ông Phòng, mức tăng phải căn cứ vào khả năng chi trả và năng lực thực tế của DN. Ông Phòng cho rằng, hiện sản xuất của các DN còn gặp rất nhiều khó khăn. 

“Nhiều DN có đơn hàng kém hơn so với các năm trước. Hiện 70% số DN sản xuất không có lãi, nhưng vì trách nhiệm với NLĐ, với xã hội nên cố gắng sản xuất”, ông Phòng nói và cho biết thêm, năng suất LĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp, không được như mong muốn của chủ DN. Theo đề xuất của VCCI, mức tăng tiền LTT vùng trong năm 2016 là 150.000-220.000 đồng tùy từng vùng, mức tăng bình quân là 7,2% so với năm 2015. Đây là mức đề xuất rất thấp so với đề xuất của Tổng LĐLĐVN là 16,8%.

Cuộc họp bất thành

Buổi họp dự định kết thúc trong buổi sáng (5/8), nhưng vì không tìm được tiếng nói chung nên ông Phạm Minh Huân đã quyết định kéo dài cuộc họp sang buổi chiều, để cho các bên xem xét thêm trước khi thống nhất phương án cuối cùng để biểu quyết.

Buổi chiều, bắt đầu phiên họp, VCCI đưa ra phương án tăng tiền LTT vùng lên 9,8% so với năm 2015 thay cho mức 7,2%. Tuy nhiên, phương án này bị Tổng LĐLĐVN phản đối, bởi theo ông Chính, kinh tế được đánh giá khởi sắc, nhưng mức tăng lại không bằng mức tăng của năm ngoái. Hơn nữa, nếu không tăng như đề xuất của Tổng LĐLĐVN, sẽ không thực hiện được lộ trình tăng LTT.

Buổi họp lại lâm vào bế tắc. Đại diện giới chủ sử dụng xin hội ý 20 phút. Sau khi quay trở lại cuộc họp, đại diện giới chủ tiếp tục nâng mức đề xuất tăng lên 10%, và cho rằng con số này là phù hợp. Tổng LĐLĐVN, một lần nữa, không đồng ý với mức tăng này. Các bên thống nhất dừng cuộc họp và sẽ tìm tiếng nói chung bằng cuộc họp khác sau 2 tuần.

Thực trạng mức sống tối thiểu của người lao động

Khảo sát vào tháng 4/2014 của Viện Công nhân và Công đoàn tại 12 tỉnh, TP trong cả nước (Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) - nơi có nhiều CNLĐ sinh sống - cho thấy: Mức sống tối thiểu của NLĐ, tính theo nhu cầu tối thiểu (có nuôi con): Vùng I là 3,996 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2013; vùng II là 3,423 triệu đồng, tăng 6,9%; vùng III là 2,973 triệu đồng, tăng 5,1% và vùng IV là 2,481 triệu đồng, tăng 7,1%.

Các khảo sát cho thấy, chi phí nuôi con bằng 70% chi phí cho nhu cầu tối thiểu của bản thân NLĐ. Đáng chú ý, so sánh giữa thu nhập và chi tiêu, cuộc sống của NLĐ còn nhiều khó khăn. Cụ thể: Có 13,3% số người cho biết thu nhập “không đủ sống”; 24,5% phải chi tiêu tằn tiện và rất dè sẻn; 49,8% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 12,3% cho biết có tích lũy.

Tuy nhiên, mức độ tích lũy này cũng rất khiêm tốn, số người có thể tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/tháng, chỉ chiếm 12,8%, trong khi đó, có tới 17,2% số người chỉ tiết kiệm được 200.000-500.000 đồng/tháng.

 

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, phóng viên Báo Lao Động có các cuộc trao đổi nhanh với các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia:

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia: Cơ sở  Tổng LĐLĐVN đưa ra cho mức đề xuất tăng 16,8% là hợp lý, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Nhưng phía VCCI cũng chỉ rõ, với các mức tăng như vậy có thể khiến các DN sẽ gặp khó khăn, vì từ năm 2016, cơ sở để đóng BHXH là tổng thu nhập.

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính: Qua theo dõi, bức tranh kinh tế của đất nước sáng sủa hơn năm ngoái, nên không có lý do gì để mức tăng LTT năm 2016 thấp hơn năm 2015 (400.000 đồng/vùng 1). Nếu mức tăng LTT năm 2016 ở mức 350.000 đồng/vùng 1, NLĐ sẽ khó chấp nhận, bởi không thể “phú quý giật lùi”. Trong khi DN luôn coi “NLĐ là vốn quý” vậy khi đến kỳ điều chỉnh lương, họ không “đáp nghĩa” với NLĐ để đời sống của NLĐ được nâng lên. Do đó, quan điểm của Tổng LĐLĐVN là giữ vững đề xuất mức tăng LTT vùng áp dụng năm 2016, là 350.000-550.000 đồng.

Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Chúng tôi đồng ý cần phải tăng LTT cho NLĐ và tính toán các yếu tố để tăng lương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tính đến khả năng chi trả thực tế của DN, để đề xuất tăng lương ở mức phù hợp. Mặc dù kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, nhưng đối với DN, chính sách đã thông thoáng nhưng để DN có thể tận hưởng được kết quả của các chính sách này vẫn cần có “độ trễ”. Vì vậy, NLĐ có thể hy vọng vào việc tăng lương, nhưng có thể lộ trình tăng LTT chưa được như mong muốn.

Bà Lê Thị Đoan Trinh - Công ty TNHH Trí Tuệ Việt (quận 1, TP HCM): Thực tế tại TP HCM, rất nhiều DN đã áp dụng mức lương cao hơn LTT do Nhà nước quy định. Bởi nếu trả bằng mức lương đó thì không tuyển dụng được LĐ. Như vậy, DN đã đi trước Nhà nước. Mức LTT chỉ được những DN như dệt may, da giày áp dụng để làm cơ sở đóng BHXH. Thực tế, nhiều DN thâm dụng LĐ khi phải tăng LTT lại tìm cách cắt giảm các khoản thu nhập của NLĐ, do đó thu nhập thực tế của NLĐ có khi bị giảm đi, chứ không tăng theo LTT.

Bà Nguyễn Thùy Nhung - CN Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân: CNLĐ chúng tôi đều mong muốn Nhà nước tăng LTT. Bởi thu nhập tăng lên chút nào thì NLĐ đỡ khó khăn chút đó. Nhưng cùng với tăng LTT thì Nhà nước đừng để xảy ra lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng theo.

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM): Thông tin về điều chỉnh LTT rất được NLĐ quan tâm. Theo khảo sát của CĐCS chúng tôi, nhiều CN mong muốn được tăng lương ít nhất 15%. Đây là mức tăng hợp lý, bởi thu nhập của CN hiện nay chưa cao, lại phải chi tiêu rất nhiều khoản, đặc biệt là những CN phải đi thuê nhà trọ để sống. Vì vậy, tăng lương phải thực sự bù trượt giá và phải đáp ứng lộ trình LTT phải đáp ứng được mức sống tối thiểu như luật đề ra. Trong nghị định về tăng LTT sau này cũng cần duy trì các quy định về việc tăng lương nhưng DN không được cắt giảm phụ cấp.


Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Sẽ khó có sự đột biến

Năm nay, mức tăng lương tối thiểu được dự báo sẽ không có sự đột biến so với năm ngoái.

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/tranh-luan-nay-lua-van-chua-chot-duoc-muc-tang-luong-toi-thieu-361670.bld

Theo Nhóm PV/Lao Động

Bạn có thể quan tâm