Đây là những gì diễn ra tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Nghị quyết về thuế suất thuế tài nguyên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 8/9.
Tăng thuế để bảo vệ ngân sách
Bộ Tài chính cho biết đã gửi các công văn tới các bộ và địa phương để xin ý kiến về Dự án Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Theo Dự án nghị quyết đang đưa ra lấy ý kiến, hầu hết thuế suất các khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2% đến 12%.
Cụ thể, sắt có khung thuế suất 7-20% so với thuế suất hiện hành là 12%; titan có khung thuế suất 7-20% so với thuế suất hiện hành là 16%; vàng: khung thuế suất 9-25% so thuế suất hiện hành là 15%; wonfram và antimoan: khung thuế suất là 7-25%, thuế suất hiện hành là 18%; đồng: khung thuế suất 7-25%, thuế suất hiện hành là 13%; và niken: khung thuế suất 7-25%, so thuế suất hiện hành là 10%.
Đáng chú ý là nhôm, bô xít được đề nghị giữ nguyên mức thuế suất là 12% với lý do dự án tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) chỉ có lãi vào các năm 2018 và 2021.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số thu thuế tài nguyên năm 2013 là 37.875 tỷ đồng; năm 2014 là 38.048 tỷ đồng.
Công ty niken Bản Phúc (Sơn La). Thuế suất thuế tài nguyên ở Việt Nam được cho là cao nhất thế giới. |
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi giải thích: “Lộ trình hội nhập đang và sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu… các nước có kinh nghiệm sử dụng thuế nội địa, tài nguyên để tăng thu ngân sách.”
Phản ứng quyết liệt từ doanh nghiệp
Các doanh nghiệp ngành khai khoáng cho rằng Việt Nam là nước có khung thuế suất cao nhất thế giới. Bằng chứng là Trung Quốc có mức thuế suất khoáng sản chỉ 5 – 10%; Úc áp dụng thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại dao động 1,6 – 7,5%.
Ông Evan Spenser, Tổng giám đốc Công ty mỏ Niken Bản Phúc, cho biết, doanh nghiệp này đã đầu tư 130 triệu đôla Mỹ vào Việt Nam từ năm 2007, và đến năm 2014 thì khai thác được lô sản phẩm đầu tiên.
Tuy nhiên, trong thời gian này, các thuế suất như thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; và các loại thuế, phí mới được ban hành như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đều đã tăng cao.
Tổng gánh nặng thuế mà Niken Bản Phúc tính toán đã tăng 218% so với thời điểm quyết định đầu tư giai đoạn 2007-2014, tổng số thuế phải nộp đã tăng thêm 76 triệu đôla Mỹ so với tính toán ban đầu.
“Chúng tôi lỗ 35 triệu đôla Mỹ do giá thay đổi và chính sách thuế thay đổi,” ông nói tại hội thảo.
“Các công ty mỏ nước ngoài đều cho rằng Việt Nam là nơi tuyệt vời để đầu tư nhưng chính sách thuế, tài khóa (làm bất ổn vĩ mô) làm họ e ngại,” ông nói.
Ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo thuộc tập đoàn Masan, cho rằng việc tăng thuế suất tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác, khiến doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, bỏ quặng nghèo, dẫn đến lãng phí tài nguyên.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế suất sẽ gây áp lực lên người lao động, và giảm quỹ cho cộng đồng địa phương.
Công ty CP Tập đoàn Thái Dương cho biết, thuế tài nguyên áp dụng cho khai thác đá ở Việt Nam là 15%, từ mức 9% hiện nay, là cao hơn rất nhiều so với 3% ở Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Doanh nghiệp này cho rằng, tăng thuế sẽ khiến một phần tài nguyên quốc gia bị bỏ lại trong lòng đất và không thu hồi được.
Đại diện đại sứ quán Úc và New Zealand cho rằng, Việt Nam nên hoãn lại việc tăng thuế suất thuế tài nguyên khoáng sản và cần có phân tích kỹ lưỡng hơn.