Từ khi UBND tỉnh Đắk Nông giao đất cho Công ty Long Sơn cũng là lúc tranh chấp giữa người dân và đơn vị này diễn ra. Ngoài ra, theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông thì hầu hết các dự án địa phương cấp cho doanh nghiệp đều xảy ra tranh chấp.
Nhiều người dân khiếu nại
Ngày 13/12/2007, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao cho Công ty TNHH Long Sơn thuê 1.079 ha đất và rừng tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để đầu tư dự án nông lâm nghiệp cũng như quản lý, bảo vệ rừng.
Từ khi Công ty Long Sơn được giao đất cũng là lúc gia đình ông Hoàng Văn Sùng (quê Bình Phước) cùng một số hộ dân khiếu nại yêu cầu đơn vị này bồi thường, hỗ trợ diện tích đất mà họ lấn chiếm tại tiểu khu 1535.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 8/2010, UBND tỉnh đã ra quyết định xử lý vụ việc, nhưng đến nay ông Hoàng Văn Sùng và các hộ dân vẫn chưa chấp thuận.
Đầu tháng 9/2015, nhiều hộ dân lấn chiếm đất tại tiểu khu 1535 cùng làm đơn tố cáo Công ty Long Sơn hủy hoại tài sản. Vụ việc được UBND huyện Tuy Đức chỉ đạo công an huyện điều tra, xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Khu vực vườn điều của ông Hoàng Văn Thắng bị Công ty Long Sơn đưa máy móc vào ủi. Ảnh: M.Q. |
Gần đây nhất là ngày 4/12/2015, nhiều hộ dân lấn chiếm đất tại tiểu khu 1535 đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng kiến nghị công ty bồi thường hỗ trợ khi tiến hành san ủi, chặt phá cây trồng, nhà cửa của người dân. UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo công ty xử lý theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Đức hiện có 35 căn nhà do người dân lấn chiếm đất mới dựng tại tiểu khu 1535. Đầu tháng 10/2016, UBND huyện đã tổ chức đối thoại với các hộ lấn chiếm đất của công ty.
Tại cuộc đối thoại, các hộ dân đều kiến nghị yêu cầu công ty bồi thường về tài sản và công trình trên đất, cho dù là đất do người dân mới lấn chiếm. Nhiều hộ dân còn đề nghị thu hồi đất của công ty, giao lại cho mình sản xuất...
Chưa xác định đất thuộc ai
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông ngoài dự án trên, thì hiện nay địa phương có 40 dự án khác với tổng diện tích 31.615,2 ha. Trong đó, huyện Tuy Đức có 18 dự án, Đắk G'long 12, còn lại rải rác ở các huyện Krông Nô, Đắk Song, Cư Jút, Đắk R'lấp.
Báo cáo nêu rõ, diện tích trồng rừng hiện nay của 41 dự án là 5.730 ha. Hầu hết các dự án trồng rừng đều không đạt hiệu quả, một số dự án không triển khai…
Về công tác quản lý, bảo vệ rừng, các đơn vị được cấp đất ít quan tâm, lực lượng còn hạn chế, buông lỏng dẫn đến rừng bị tàn phá hơn 4.785,2 ha.
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT đơn vị mới chỉ tính được giá trị thiệt hại rừng ở 17 dự án với diện tích 2.611,3 ha tổng giá trị hơn 272 tỷ đồng. Đối với các dự án còn lại chưa xác định được giá trị rừng bị tàn phá.
Một căn nhà người dân lấn chiếm dựng lên tại tiểu khu 1353, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Ảnh: M.Q. |
Tình trạng lấn chiếm đất trái phép diễn ra phức tạp nhất là ở các dự án trên địa bàn xã Đắk Ngo và Quảng Trực (huyện Tuy Đức). Tổng số diện tích bị lấn chiếm tại các dự án là 8.292,8 ha, chiếm 26,2% diện tích đất giao cho các đơn vị.
Đặc biệt, có một số dự án bị lấn chiếm hết diện tích được giao như: công ty TNHH Long Sơn, Công ty CP ĐTXD Kiến Trúc Mới, Công ty CP kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt…
Tổng số hộ dân lấn chiếm trước và sau khi có quyết định giao đất là 2.000 hộ. Hiện nay, người dân lấn chiếm sử dụng đất trái phép, tranh chấp với doanh nghiệp diễn biến phức tạp.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được các khu vực xảy ra tranh chấp là người dân lấn chiếm hay doanh nghiệp được cấp trước.
Theo ông Lộc, hiện cơ quan chức năng đang rà soát lại hiện trạng cụ thể, mốc thời gian tác động của các bên để đưa ra hướng xử lý. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ căn cứ vào rà soát để tái bố trí lại dân cư theo chủ trương của tỉnh.
"Sau sự việc tại huyện Tuy Đức, cơ quan chức năng đang triển khai kiểm tra toàn tỉnh đối với các dự án tương tự. Sắp tới UBND tỉnh sẽ yêu cầu các dự án ngừng các công việc để giữ nguyên hiện trạng tránh xảy ra xung đột", ông Lộc thông tin.
Vị chánh văn phòng cho biết thêm trước đây quá trình rà soát xử lý tình trạng lấn chiếm khó khăn vì diện tích rộng, số người lấn chiếm đông nhưng lực lượng mỏng.
"Khi các cơ quan kiểm tra thì người dân không hợp tác vì hầu hết các hộ này lấn chiếm trái phép nên không muốn làm việc. Còn đối với các cơ quan chuyên môn giao đi kiểm tra thực chất cũng cưỡi ngựa xem hoa chứ chưa xác định chi tiết là ai trồng cái gì, bao nhiêu năm. Lịch sử sử dụng đất như thế nào thì rất mông lung", ông Lộc nói thêm.