Tranh chấp biển đảo Trung - Nhật căng thẳng đỉnh điểm
Sáng 19/8, đã có ít nhất 10 nhà hoạt động trong số 150 quan chức Nhật Bản đổ bộ lên một đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để cắm cờ khẳng định chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp này.
Căng thẳng tiếp nối
Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư đã diễn ra hết sức căng thẳng khi chính quyền Nhật Bản liên tiếp có những hành động mạnh tay. Trước khi các nhà hoạt động chính trị để bộ lên đảo và cắm cờ khẳng định chủ quyền, vào đêm 18/8, một đội tàu chở khoảng 150 người Nhật Bản trong đó có một số nghị sỹ cùng 21 tàu hộ tống đã rời đảo Ishigaki ở Tây Nam Nhật Bản để đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông trong một động thái nhằm khẳng định chủ quyền của nước này đối với quần đảo tranh chấp trên.
Nhật Bản đã tự ý cắm cờ khẳng định chủ quyền trên đảo Senkaku/Điếu Ngư dù vẫn đang tranh chấp với Trung Quốc |
Trước đó vài ngày, Nhật Bản vừa trục xuất 14 người Trung Quốc, trong đó có 2 nhà báo và 12 nhà hoạt động đến từ Hong Kong. Những người này bị cảnh sát biển Nhật Bản bắt giữ hôm 15/8 vì tội xâm phạm trái phép lãnh hải Nhật Bản và đổ bộ lên một hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát. Trong số 14 người này có 5 người bị bắt khi đang có mặt trên đảo Senkaku/Điếu Ngư, 9 người còn lại bị bắt trên tàu neo đậu gần đó.
Ngay sau khi nhận được tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt lên tiếng phản đối hành động của các nhà hoạt động Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Nhật Bản chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước này.
Trong một tuyên bố của mình, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Tần Cương cho biết: “Trung Quốc đề nghị Nhật Bản ngay lập tức dừng hành động nói trên. Bất cứ hành động đơn phương nào của Nhật Bản trên đảo Điếu Ngư cũng đều bị coi là bất hợp pháp và không có giá trị. Những hành động phi pháp của các nhà hoạt động Nhật Bản đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, và các quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm phản đối lên Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc”.
“Phía Nhật Bản nên giải quyết vấn đề hiện nay một cách đúng đắn và tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình chung trong mối quan hệ Trung-Nhật,” ông nhấn mạnh thêm.
Trong một động thái liên quan, hàng nghìn người dân ở nhiều tỉnh thành trên khắp Trung Quốc sáng nay đã đổ xuống đường để bày tỏ sự phản đối đối với hoạt động độ bộ lên quần đảo Điếu Ngư của các nhà hoạt động Nhật Bản.
Quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkuka trên Biển Hoa Đông nằm trong một ngư trường đánh cá lớn và có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng dồi dào. Đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku nằm ở phía Bắc Vùng lãnh thổ Đài Loan và phía Nam của Nhật Bản. Trung Quốc và Nhật Bản đã nhiều lần tuyên bố chủ quyền ở quần đảo này và đã có không ít lần căng thẳng ngoại giao vì Senkaku.
Nhật Bản thay thế đại sứ tại Trung Quốc
Trong một diễn biến liên quan khác, trong bối cảnh căng thẳng lãnh hải với Trung Quốc đang gia tăng, Nhật Bản đang lên kế hoạch thay đại sứ nước này tại Trung Quốc vào tháng 10 tới. Thông tin trên vừa được tờ nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa ra hôm nay, 19/8.
Đại sứ hiện tại của Nhật Bản tại Trung Quốc là ông Uichiro Niwa đã trở thành chủ đề gây tranh cãi hồi tháng 6 vừa qua khi ông lên tiếng cảnh báo rằng kế hoạch mua một số hòn đảo tranh chấp từ tay những người chủ tư nhân của chính phủ Tokyo sẽ gây nên “một cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng” giữa các cường quốc châu Á.
Trước đó, hồi tháng 4, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đã công bố ông đã đạt được thỏa thuận cơ bản để mua lại một số đảo trong nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo tài chính Financial Times hồi tháng 6, ông Niwa cho biết động thái của thị trưởng Tokyo có thể gây nguy hại cho những tiến bộ đã đạt được kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1972.
Hình ảnh về quần đảo đang bị Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp rất quyết liệt |
“Nếu kế hoạch của ông Ishihara được chấp nhận, thì nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng cực kỳ tồi tệ trong quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc”, ông cho hay trên tờ báo Anh. “Chúng tôi không thể để nhiều thập niên nỗ lực trước đây không đem lại điều gì.”
Ngay sau khi đưa ra phát ngôn trên, ông đã phải gánh chịu hàng loạt sức ép từ chức từ cả các đảng đối lập và đảng cầm quyền vì đã “bóp méo” quan điểm của Tokyo về quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkuka này.
Tờ Yomiuri cho biết ông Niwa dự kiến sẽ bị cách chức và thay thế trong một cuộc cải tổ những vị trí cấp cao cũng như những chức vụ đại sứ quan trọng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản sau khi kỳ họp quốc hội hiện nay kết thúc vào ngày 8/9.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã có kế hoạch bổ nhiệm ông Shinichi Nishimiya – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách vấn đề kinh tế lên thay thế vị trí của ông Niwa. Ông này cũng đã từng là công sứ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc và là tổng lãnh sự Nhật Bản tại New York, Mỹ.
Tờ báo này cho biết thêm rằng ông Niwa sẽ chính thức rời vị trí đại sứ vào tháng 10 tới hoặc muộn hơn sau khi tham dự một số sự kiện kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào ngày 29/9.
Ông Niwa, cựu chủ tịch tập đoàn thương mại khổng lồ- Itochu Corp, được bổ nhiệm làm đại sứ Nhật tại Trung Quốc hồi tháng 2/2010, do ông có rất nhiều kinh nghiệm khuyến khích các mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2010, 7 tháng kể từ khi nhậm chức, giới chức Nhật Bản đã đưa ra đánh giá, cho rằng ông không đóng góp được gì nhiều và không giúp cải thiện mối quan hệ vốn căng thẳng Trung-Nhật. Đỉnh điểm là vụ việc lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau khi người này cho tàu đâm vào 2 tàu tuần tra Nhật ở ngoài khơi đảo tranh chấp. Nhật Bản sau đó cũng đã phóng thích vị thuyền trưởng này. Vụ việc là một động thái "đổ thêm dầu vào lửa" cho mối quan hệ vốn đã "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa hai cường quốc châu Á.
Theo VnMedia