Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh cãi xoay quanh phim của Jisoo (BlackPink)

Tranh cãi nổ ra với "Snowdrop" những ngày qua khiến giới chuyên môn lo lắng quyền tự do và sáng tạo của các ê-kíp sản xuất phim Hàn Quốc ngày càng bị hạn chế.

Theo The Korea Herald, tranh cãi về bộ phim Snowdrop có sự tham gia của Jisoo (BlackPink) và diễn viên Jung Hae In tiếp tục diễn ra trong tuần này. Một bộ phận khán giả kêu gọi dừng phát sóng bộ phim. Tuy nhiên, trong bài viết đăng ngày 30/12 của tờ The Korea Herald, một số chuyên gia cho rằng phản ứng quá khích của khán giả có thể hạn chế quyền tự do và sáng tạo của các nhà sản xuất.

Khán giả tẩy chay vì xuyên tạc lịch sử

Snowdrop là bộ phim được đầu tư trên đài JTBC và Disney +. Phim có sự tham gia của Jisoo Blackpink và nam diễn viên nổi tiếng Jung Hae In. Ngay từ khi phim bắt đầu quá trình sản xuất, công chúng đã phản ứng dữ dội và yêu cầu hủy bỏ Snowdrop. Nhiều người cáo buộc bộ phim xuyên tạc lịch sử về phong trào ủng hộ dân chủ của Hàn Quốc vào cuối những năm 1980.

Những người xem không hài lòng với nội dung phim đã gửi đơn kiến nghị lên Nhà Xanh. Họ thậm chí gửi đơn kiện lên Tòa án Quận Tây Seoul. Ngày 29/12, Chánh án Park Byung Tae của Tòa án Quận Tây Seoul chính thức bác bỏ đơn kiện với lý do Snowdrop không xâm phạm trực tiếp tới quyền lợi của nguyên đơn.

Trong Snowdrop, nhân vật nữ chính do Jisoo đảm nhận cứu mạng một điệp viên sau khi nhầm anh ta là nhà hoạt động trong phong trào ủng hộ dân chủ. Trong lịch sử Hàn Quốc, nhiều nhà hoạt động đã bị tra tấn và chết sau khi bị buộc tội sai là gián điệp.

Phim cua Jisoo gay tranh cai anh 1

Jung Hae In và Jisoo bị chỉ trích vì đảm nhận vai chính trong Snowdrop. Ảnh: JTBC.

Do đó, khán giả cho rằng Snowdrop đã bôi nhọ phong trào dân chủ những năm 1980 và không phản ánh được sự tàn bạo của chính quyền vào thời điểm đó. Đội ngũ sản xuất đã cố gắng xoa dịu cơn giận dữ của công chúng bằng cách đưa ra một tuyên bố chính thức. Họ giải thích mọi tình tiết trong phim đều là hư cấu, ngoại trừ bối cảnh lịch sử.

Đạo diễn Jo Hyun Tak đã tìm cách dập tắt những lời chỉ trích trong một cuộc họp báo trực tuyến vào đầu tháng 12. Ông cho biết Snowdrop là câu chuyện của các cá nhân và không phải về ý thức hệ.

Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực của khán giả vẫn không ngừng. Một bản kiến ​​nghị trực tuyến đã được đăng trên trang web của Nhà Xanh vào ngày 19/12, yêu cầu tạm dừng phát sóng bộ phim. Bản kiến ​​nghị đã thu thập được hơn 230.000 chữ ký trong vòng 24 giờ, đạt ngưỡng để chính thức yêu cầu Nhà Xanh trả lời về vấn đề này trong vòng 30 ngày. Tính đến ngày 29/12, hơn 355.000 người đã ký vào bản kiến ​​nghị.

Cư dân mạng cũng chia sẻ danh sách các công ty, đơn vị tài trợ cho Snowdrop để gây áp lực và buộc họ phải rút khỏi bộ phim.

Yoo In Na, một diễn viên đóng vai phụ trong Snowdrop, cũng đang bị công chúng yêu cầu dừng quay bộ phim tài liệu lịch sử UHD History Special của đài KBS. Khán giả cho rằng Yoo In Na không thích hợp để tham gia chương trình, vì cô xuất hiện trong một bộ phim xuyên tạc lịch sử.

Lo ngại về sự tự do trong nghệ thuật

Snowdrop không phải là bộ phim truyền hình đầu tiên gặp áp lực vì vấn đề xuyên tạc lịch sử. Tháng 3, bộ phim truyền hình Joseon Exorcist của đài SBS bị dừng phát sóng chỉ sau hai tập vì những nội dung sai lệch và sử dụng dụng cụ, trang phục của Trung Quốc.

Chứng kiến vụ việc của Joseon Exorcist Snowdrop, nhiều người trong ngành lo ngại phản ứng của khán giả có thể cản trở quyền tự do của người sáng tạo nội dung. Các nhà sản xuất và đạo diễn đang cố gắng cẩn thận với các dự án. Họ kiểm tra kỹ để chắc chắn loạt phim hoặc chương trình sắp ra mắt không có bất kỳ yếu tố nào có thể gây khó chịu cho người xem.

Phim cua Jisoo gay tranh cai anh 2

Jisoo không suôn sẻ trong lần ra mắt với tư cách diễn viên. Ảnh: JTBC.

“Sự theo dõi và phản biện của người xem luôn được hoan nghênh. Không ai không đồng ý rằng đó là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển nội dung sáng tạo. Trường hợp của Joseon Exorcist là ví dụ tuyệt vời cho thấy hành động tập thể từ công chúng có thể hủy bỏ một bộ phim truyền hình dài tập như thế nào", một chuyên gia trong ngành nói với The Korea Herald.

“Tuy nhiên, nếu những lời chỉ trích bị lạm dụng để nhắm vào cá nhân hoặc nhóm người cụ thể khiến nội dung các bộ phim phải đổi sang hướng khác hoàn toàn với ban đầu thì hành động đó chẳng khác gì hình thức kiểm duyệt. Nếu quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo vệ, tôi nghĩ mọi người cũng cần bảo vệ quyền tự do của người tạo ra nội dung”, người này nói thêm.

Giáo sư và nhà phê bình phim ảnh Chin Jung Kwon cũng hy vọng khán giả xem Snowdrop như một bộ phim truyền hình thay vì câu chuyện lịch sử.

“Tự do ngôn luận là một trong những nền tảng của xã hội dân chủ. Tại sao một số người cho rằng mình có quyền nhưng lại xâm phạm quyền của người xem khác?”, The Korea Herald trích đăng bài viết của Chin Jung Kwon.

Với nỗ lực thuyết phục người xem rằng Snowdrop không xuyên tạc lịch sử, JTBC đã phát sóng liên tiếp 3 tập phim vào cuối tuần trước. Những tập phim mới đã xoa dịu phần nào sự tức giận của công chúng, nhưng Snowdrop không dễ để chiếm được cảm tình của người xem trong nước. Theo dữ liệu từ Nielsen Korea, tập mới nhất của phim ghi nhận tỷ lệ người xem trung bình là 2,7%.

Ở thị trường quốc tế, thành tích của Snowdrop khả quan hơn. Theo công ty phân tích dữ liệu phát trực tuyến FlixPatrol có trụ sở tại Mỹ, đây là chương trình được xem nhiều thứ 6 trên Disney + Hàn Quốc vào ngày 29/12. Snowdrop cũng là bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên đứng vị trí thứ 2 trên biểu đồ hàng tuần của Disney +.

Một năm lao đao vì tranh cãi ở showbiz Hàn

Năm qua, nhiều thần tượng Kpop bị chỉ trích vì vướng ồn ào. Soojin thậm chí bị đuổi khỏi nhóm (G)I-DLE, Lucas phải tạm dừng hoạt động nhiều tháng.

Sự trỗi dậy của phim truyền hình Hàn Quốc năm 2021

The Korea Times đã điểm lại các hoạt động nổi bật nhất của thị trường phim truyền hình Hàn Quốc năm 2021. Thành công của "Squid Game" được nhắc tới đầu tiên.

Các tập đoàn Hàn Quốc đặt cược hàng tỷ USD để mở rộng sức ảnh hưởng

Vừa qua, các tập đoàn giải trí lớn tại Hàn Quốc mua lại hoặc hợp tác với nhiều công ty của Mỹ để sản xuất nội dung.

Minh Hạo

Bạn có thể quan tâm