Cảnh quay cho thấy cảnh sát đeo khẩu trang, còng tay cô Zoe-Lee Buhler tại nhà riêng ở Ballarat, bang Victoria hôm 2/9. Người phụ nữ 28 tuổi đang mang bầu bị bắt ngay trước mặt chồng và các con.
Cô Zoe khóc lóc và nói với cảnh sát, những người cầm theo trát bắt giữ: “Tôi không hiểu mình đã làm gì sai”, theo BBC.
“Việc này liên quan đến bài đăng trên Facebook và cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa mà cô thực hiện hôm đó”, một cảnh sát nói.
Zoe đề nghị sẽ xóa bài đăng. “Hai đứa con của tôi đang ở đây. Tôi còn phải đi siêu âm trong một tiếng nữa. Điều này thật nực cười”, cô nói.
Tuy nhiên, cảnh sát cho biết Zoe bị buộc tội “kích động biểu tình” ở Ballarat hôm 29/8. Cuộc biểu tình là một phần của phong trào phản đối lệnh phong tỏa.
Cô Zoe-Lee Buhler bị bắt ngay tại nhà vì bài đăng phản đối lệnh phong tỏa trên Facebook. Ảnh: Facebook. |
Đoạn video được phát trực tiếp trên Facebook, thu hút hơn 2 triệu lượt xem.
Bang Victoria đã áp lệnh phong tỏa từ tháng 7 để ngăn chặn làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai ở Australia. Tại Melbourne, thủ phủ của bang, các nhà chức trách áp đặt lệnh ở trong nhà và lệnh giới nghiêm. Nhiều cơ sở kinh doanh bị đóng cửa, việc tụ tập đông người ở tiểu bang bị cấm.
Đa phần người dân ủng hộ các biện pháp phòng dịch nhưng một số người đã phản đối. Họ phát động các cuộc biểu tình đòi dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Tuần trước, cảnh sát ở Victoria đã cảnh báo sẽ bắt giữ những người tổ chức biểu tình vì vi phạm lệnh cấm tụ tập.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cũng đồng tình với vụ bắt giữ và cho rằng các cuộc biểu tình gây ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch của cộng đồng.
“Bây giờ không phải lúc để phản đối về bất cứ điều gì, vì làm như vậy sẽ không an toàn”, ông nói hôm 3/9.
Tuy nhiên, một số nhà hoạt động và nghị sĩ đối lập, ở cả cánh hữu và tả, đang chỉ trích hành động của cảnh sát. Họ cho rằng cảnh sát không nên bắt người chỉ với mục đích phòng ngừa trong khi họ chỉ kêu gọi việc biểu tình ôn hòa.
Ngoài ra, những người phản đối cho rằng đoạn video có thể kích động tâm lý chống phong tỏa và các thuyết âm mưu. Những người này lưu ý rằng đoạn video trên được chia sẻ rộng rãi ở nhiều nhóm tại Mỹ và Australia, đi kèm các cáo buộc vô căn cứ.