Lễ ăn hỏi và đám cưới của kiện tượng dance sport Chí Anh đã qua cách đây khoảng một tuần, tuy nhiên chiếc áo dài anh mặc trong đám hỏi lại đang trở thành chủ đề bàn tán, thậm chí gây tranh cãi.
6000 USD đắt hay rẻ?
Theo chia sẻ của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, chiếc áo dài được làm từ chất liệu lụa có giá 6.000 USD (khoảng 133 triệu đồng). Họa tiết áo là những chữ song hỷ được cắt theo form chữ Nhật và xếp đều trên thân áo. Đặc biệt, những chữ song hỷ được tạo nên bởi vàng lá và dát trực tiếp trên thân áo bằng công nghệ cao.
Chiếc áo dài NTK Hoài Nam thiết kế cho Chí Anh. Ảnh: FBNV. |
Không ít ý kiến, trong đó có nhà thiết kế Xuân Thu, cho rằng mức giá 6.000 USD quá cao so với thực tế. Chị cũng không đánh giá cao về độ tỉ mỉ, cầu kỳ cũng như kiểu dáng, kỹ thuật của chiếc áo dài này.
Ngay sau đó, NTK Xuân Thu và tác giả mẫu áo dài - NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã có cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội.
Nữ nhà thiết kế thẳng thắn nhận xét: "Có thể Nam không muốn nghe, nhưng một chiếc áo được gọi là quý thì từ chiếc khuy cũng rất quý. Chị thấy áo của em dát vàng mà khuy cổ lại bằng chất liêu không quý.
Nếu em chuyển được cách xem nghệ thuật bằng phương pháp nghe thì chị sẵn sàng nhắm mắt để nghe nghệ thuật hay còn gọi là 'mò' nghệ thuật".
Chị cho biết thêm: "Cái mà người ta gọi là tác phẩm chắc chắn không thể sinh ra từ một dây truyền công nghệ sản xuất hàng loạt. Trên thế giới, những hãng thời trang cao cấp vẫn luôn coi trọng việc nghệ thuật phải được sinh ra từ một con người có tài năng nghệ thuật.
Ở Việt Nam, với 30 năm chiến tranh nên mấy cái máy gọi là công nghệ cao thì cho đó là cao cấp. Nếu em đã và đang muốn trở thành một NTK đích thực, hãy quan sát BST mới nhất của Chanel".
Hai NTK tranh cãi trên Facebook. |
Trong khi đó, Đỗ Trịnh Hoài Nam cho rằng nhà thiết kế đàn chị đang 'gato' với mình. Anh còn trực tiếp tố đàn chị ăn cắp thiết kế của người khác.
Anh phản pháo: "Chị chưa được tận mắt nhìn thấy người khác làm thì đừng áp đặt họ giống mình. Em sẽ cho chị xem cận cảnh công nghệ dát vàng của em với sự kết hợp giữa máy công nghệ cao và nghề thủ công truyền thống nhé.
Nhưng đừng ăn cắp công nghệ và ý tưởng của em như cách chị lấy của NTK Trịnh Bích Thuỷ nhé vì chị ko đủ trình đâu".
Về chiếc khuy bị cho là không quý, Đỗ Trịnh Hoài Nam đáp: "Chị nói về tiểu tiết là cái khuy không quý, đấy là chị chỉ áp đặt người khác theo ý mình. Với em nó rất quý vì nó được làm bằng chất sừng đen và nó còn quý hơn khi làm màu đen ẩn xuống để các chữ song hỷ dát vàng nổi lên...
Chị đừng áp đặt em giống như cách thiết kết của chị muốn cái khuy bọc vải xanh đỏ tím vàng như chị mới là quý... Đúng là làm một việc cũng là cách làm mọi việc. Cách của em làm là biết ẩn xuống khi là phụ và nổi lên khi là chính, còn chị thì kể cả chính hay phụ thì cũng cứ cố để tranh nổi lên".
Góp ý hay là sự 'gato'?
Chia sẻ với Zing.vn, nhà thiết kế Xuân Thu vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu của mình. Chị khẳng định chiếc áo dài do Hoài Nam thiết kế không có tính nghệ thuật (chữ in trên áo không có ý đồ gì), một thợ may bình thường cũng có thể làm được.
"Tôi đưa ra lời nhận xét theo chuyên môn và gu thẩm mỹ của một nhà thiết nhưng bạn ấy lại cho rằng tôi gato. Tôi tin những người làm nghệ thuật sẽ hiểu. Chiếc áo đó có thể có giá trị cao nhưng không cao đến mức như vậy.
Bạn biết đấy thị trường thời trang Việt Nam đang 'bồng bềnh' lắm, chưa có ban kiểm định về chất lượng thời trang" - NTK Xuân Thu cho biết.
NTK Xuân Thu (trái) và NTK Hoài Nam. Ảnh: NVCC. |
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam bày tỏ anh không bức xúc trước nhận xét của chị Xuân Thu, nhưng vì uy tín và danh dự của mình, anh buộc phải lên tiếng. Anh không muốn bàn quá nhiều đến giá cả bởi nó ảnh hưởng đến ngày vui của Chí Anh.
Hoài Nam khẳng định trên thị trường, những chiếc áo dài thêu thủ công tỉ mỉ có giá vài nghìn đô là chuyện bình thường. Với mẫu áo của Chí Anh, anh đã sử dụng công nghệ mới kết hợp nghề thủ công truyền thống dát quỳ vàng lên vải.
"Tôi không phải người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng dát qùy vàng, nhưng là người đầu tiên ứng dụng thành công nó lên một bộ trang phục có tính ứng dụng. Để làm được điều này, tôi cũng phải đầu tư máy móc, chi phí lớn và lực lượng nhân công làm tay.
Với tôi, điều quan trọng nhất vẫn là thỏa mãn được mong muốn của khách hàng và đóng góp được cho ngành thời trang Việt. Mỗi người có một lượng khách hàng riêng, nên không thể phán xét nhau chỉ qua hình ảnh" - NTK Hoài Nam nói.
NTK áo dài Việt Hùng: '6.000 USD không phải quá cao'
Tôi không được nhìn tận mắt thiết kế của anh Hoài Nam và cũng không biết anh sử dụng công nghệ dát vàng như thế nào nên không dám đưa ra nhận xét. Nếu như anh nói, 30 thợ làm trong 3 ngày thì tiền nhân công khá cao.
Hơn nữa, giá trị của một chiếc áo không đơn thuần là bao nhiêu vải, chất liệu gì, số lượng vàng hay công may. Nó là tổng hợp của chi phí thật + thương hiệu + chất xám của người làm ra nó. Tôi từng làm một chiếc áo cho em gái mình có gắn hai chữ Phúc và Hỷ, giá trị còn cao hơn nhiều.
6.000 USD không phải giá quá cao cho một chiếc áo dài được làm tỉ mỉ, công phu. Một chiếc áo bình thường thêu pha lê thủ công của một thương hiệu uy tín đã có giá 1.000 - 2.000 USD. Nếu đính ngọc trai, hạt vàng, giá có thể là 3.000 - 5.000 USD.