Theo New York Times, ngày 25/4 (giờ Mỹ), với kết quả biểu quyết 4 phiếu thuận - 3 phiếu chống, tòa phúc thẩm New York kết luận rằng thẩm phán đã có thành kiến với Harvey Weinstein khi cho phép các phụ nữ không liên quan vụ án làm chứng chống lại "trùm Hollywood" vào năm 2020.
"Lạm quyền trong xét xử để thông qua những cáo buộc chưa được kiểm chứng chẳng khác nào hành vi xấu, hủy hoại nhân cách của bị cáo trước khi làm sáng tỏ uy tín của họ liên quan đến cáo buộc hình sự chống lại họ", Mirror dẫn lời tòa phúc thẩm.
Thẩm phán Jenny Rivera nhận định, những sai sót kể trên ở mức độ "nghiêm trọng" nên phải mở phiên tòa mới để xử lại vụ án. Đồng nghĩa, những người từng tố cáo ông Weinstein có thể phải làm chứng lần nữa.
Những phản ứng đối lập
Mặc dù bản án năm 2020 được lật lại, Weinstein vẫn tiếp tục ngồi tù do liên quan vụ hiếp dâm khác. Hồi năm 2022, thẩm phán ở Los Angeles (California, Mỹ) tuyên phạt ông 16 năm tù vì tội cưỡng bức một phụ nữ trong khách sạn Beverly Hills.
Sau khi lắng nghe phán quyết mới, Juda Engelmayer - người phát ngôn của Weinstein - phát biểu trên Deadline rằng họ "phấn khích nhưng vẫn thận trọng". Engelmayer cho hay: "Ông ấy (Harvey) vẫn còn chặng đường dài phía trước vì phải chấp hành hình phạt ở Los Angeles. Chúng tôi đang nghiên cứu sự phân nhánh của đơn kháng cáo".
Arthur Aidala, luật sư đại diện cho Weinstein, tuyên bố thân chủ của ông không được xét xử công bằng chỉ vì bị nhiều người ghét, ám chỉ thẩm phán "dám vứt bỏ tiền lệ pháp lý 100 năm" để kết tội Weinstein tới cùng. Đồng thời, Aidala nói Weinstein đoán được vụ án sẽ được lật lại.
Nước Mỹ dậy sóng khi tòa phúc thẩm New York lật lại vụ án của Harvey Weinstein. Ảnh: Richard Drew. |
Trong khi đó, NBC News dẫn lời Madeline Singas - một trong những thẩm phán bất đồng quan điểm - nói tòa phúc thẩm New York "tiếp tay cho xu hướng đáng lo ngại khi lật ngược phán quyết có tội từ bồi thẩm đoàn trong các vụ án liên quan đến bạo lực tình dục". Cô đau lòng thay những phụ nữ chịu tổn thương tâm lý do bạo lực tình dục và vết sẹo của việc phải làm chứng hết lần này đến lần khác.
Đồng tình ý kiến này, thẩm phán Anthony Cannataro nói: "Quyết định đó là bước thụt lùi đáng tiếc".
Douglas H. Wigdor, đại diện cho 8 người tố cáo Weinstein, tỏ ra phẫn nộ, song nhấn mạnh phán quyết không làm mất đi trải nghiệm của họ hay khiến sự thật bị lu mờ.
Một trong những diễn viên đầu tiên tố cáo Weinstein, Ashley Judd, trả lời New York Times: "Công bằng ở đâu cho các nạn nhân? Chúng tôi vẫn sống với sự thật và biết rõ chuyện gì đã xảy ra".
Trên trang cá nhân, ngôi sao từng đoạt giải Oscar Mira Sorvino, người tuyên bố đã bị Weinstein xâm hại tình dục, chỉ trích phán quyết "kinh hoàng".
Phong trào #MeToo bị ảnh hưởng?
Trao đổi với Fox News, luật sư bào chữa hình sự Michael Rene Huff phân tích rằng khi cung cấp bằng chứng về tính cách hoặc hành vi sai trái của bị cáo trong quá khứ, tòa chắc chắn thận trọng hơn. Thẩm phán được cho là sẽ xem xét kỹ lưỡng bằng chứng trong vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Cựu công tố viên liên bang Neama Rahmani cũng lập luận các công tố viên sẽ tỏ ra hoài nghi hơn về nhân chứng trong vụ xét xử mới. Tuy vậy, Rahmani nói bồi thẩm đoàn có thể không tin lời khai của một nạn nhân, nhưng khó bác bỏ lời khai của nhiều nạn nhân kể cùng một câu chuyện.
Vậy nên, khi vụ án mang tính bước ngoặt của #MeToo được lật lại, những người theo phong trào chống lạm dụng tình dục - trường hợp này là nhân chứng, bị cáo chống Weinstein - cần điều chỉnh chiến lược truy tố cho phù hợp.
Louise Godbold, người làm việc trong lĩnh vực sản xuất và tố cáo Weinstein đã tấn công tình dục cô 2 lần vào năm 1991, cùng nhiều phụ nữ khác sẵn sàng ra làm chứng. Thế nhưng, cô lo ngại các nhân chứng không giữ được bình tĩnh khi phải hồi tưởng vết thương lòng năm xưa.
"Chắc chắn tôi và họ lại tổn thương lần nữa trên phiên tòa. Đối với bất kỳ ai quay lại bục nhân chứng, đó là một sự vô lương tâm. Mọi người hãy luôn nhớ rằng Harvey đáng bị kết tội", cô phát biểu.
Rất nhiều diễn viên và phụ nữ làm việc trong lĩnh vực giải trí tố cáo hành vi quấy rối của Harvey Weinstein. Ảnh: Vanity Fair. |
Giữa lúc này, Oleg Nekritin - luật sư bào chữa tại văn phòng luật Robert J. DeGroot - lại nêu quan điểm khác biệt khi khẳng định phán quyết mới của tòa New York "không ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ phong trào #MeToo".
Theo luật sư, tác động của phán quyết đối với các vụ kiện #MeToo trong quá khứ hoặc tương lai sẽ rất nhỏ, vì quyết định của tòa chỉ giới hạn ở các tình tiết cụ thể của vụ Weinstein.
Harvey Weinstein, sinh năm 1952, là cựu nhà sản xuất phim người Mỹ. Năm 2018, ông bị Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow, Asia Argento, Rose McGowan cùng hàng loạt diễn viên nữ tố cáo hành vi bẩn thỉu khi họ trả lời phỏng vấn tạp chí New York Times. Điều này mở đường cho phong trào #MeToo, chống lạm dụng tình dục trong ngành giải trí.
Đến năm 2020, Weinstein bị kết án tại tòa án New York về tội tấn công tình dục và cưỡng hiếp cựu diễn viên Jessica Mann, cũng như cưỡng ép quan hệ tình dục bằng miệng với cựu trợ lý sản xuất Mimi Haleyi. Sau đó, ông bị tuyên 23 năm tù.
Với sự phát triển của #MeToo, ngày càng nhiều phụ nữ cho biết từng là nạn nhân của Weinstein và nhiều ông lớn khác trong showbiz.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Hollywood: The Oral History. Đây là cuốn sách đầy ắp những câu chuyện trên phim trường, chi tiết kỹ thuật, giai thoại hài hước về các diễn viên, chiến lược của các nhà điều hành hãng phim hay sự phàn nàn về các nhà phê bình.