Mới đây, Cục Chế biến và Phát Triển thị trường nông sản tổ chức họp báo trao đổi về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Bộ NN&PTNT soạn thảo.
Tiêu chuẩn là "khuyến nghị"
Tiến sĩ Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản (thành viên ban soạn thảo dự thảo), cho hay trong quá trình soạn thảo Cục đã tiến hành điều tra thực tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị.
Ban soạn thảo cũng đã gửi dự thảo xin ý kiến rộng rãi tới các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia của các viện, trường đại học, đơn vị kiểm nghiệm, đặc biệt là đông đủ các Hiệp hội cũng như doanh nghiệp sản xuất nước mắm để đảm bảo khách quan.
Các chuyên gia cho rằng dự thảo mới về tiêu chuẩn nước mắm đang làm khó các nhà sản xuất nước mắm truyền thống. Ảnh: Đình Hòa. |
Ban soạn thảo dựa trên căn cứ Tiêu chuẩn Codex, TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cân nhắc lược bỏ các khuyến nghị được cho là khó áp dụng, không khả thi đối với điều kiện sản xuất nước mắm của nước ta hiện nay.
Ông Hiếu cũng khẳng định, theo luật thì tiêu chuẩn là đưa ra khuyến nghị tự nguyện, không bắt buộc, còn quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng.
Trong khi đó, đề cập đến tiêu chuẩn quy định hàm lượng histamine trong nước mắm phải dưới 400 ppm sẽ gây khó cho nước mắm truyền thống, tiến sĩ Vũ Ngọc Quỳnh (nguyên Giám đốc Văn phòng Codex Việt Nam), đặt câu hỏi: “Tại sao lại quy định 400 ppm mà không rộng ra chút cho dễ thở?”.
Ông Quỳnh cho biết trước đây toàn thế giới áp tiêu chuẩn 200 ppm. Lúc đó tiêu chuẩn nước mắm cơ sở Phú Quốc còn quy định nghiêm hơn, chỉ có 100 ppm. Hiện nay, ít nơi đáp ứng được yêu cầu 200 ppm.
Trên cơ sở đề xuất của Thái Lan và Việt Nam - hai quốc gia có thể xuất khẩu nước mắm, Ủy ban Codex Quốc tế đã đồng ý mức 400 ppm histamine trong nước mắm. Đây là lượng rất an toàn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Tiêu chuẩn này đang áp dụng tại 198 nước.
Rất vô lý
Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Thị Dung (chuyên gia ngành nước mắm) cho biết điều khiến bà và các nhà sản xuất nước mắm truyền thống lo ngại nhất chính là dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế công nghiệp.
Bà nói hiện có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp chỉ có vài “đại gia”. Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở các địa phương đều được Cục, Chi Cục hay phòng an toàn vệ sinh thực phẩm... cấp phép chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Nếu không đủ điều kiện thì các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đã bị đóng cửa từ lâu.
“Vậy tại sao bây giờ trong tiêu chuẩn lại có những quy định thùng chứa nước mắm phải màu sáng. Trong khi thực tế, nước mắm làm bằng bể xi măng, làm bằng chum, làm bằng thùng gỗ có màu sáng không?”, bà đặt câu hỏi.
Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cũng cho rằng dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đưa ra yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật... trong khi nguyên liệu làm nước mắm truyền thống là cá biển chứ không phải cá nước ngọt.
Theo ông Hiến, điều này cũng đồng nghĩa quy định này buộc nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải tốn tiền xét nghiệm các chỉ tiêu không có nguy cơ tồn dư trong nước mắm. Đây là điều rất vô lý.
Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nêu quan điểm, dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được xây dựng ảnh hưởng có hại cho nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam.
“Vậy liệu có ẩn ý gì đằng sau chuyện này không? Tôi đề nghị dừng ngay việc ban hành TCVN để xin thêm ý kiến”, bà nhấn mạnh.
Dự thảo vấp phải phản ứng dữ dội
Trước đó, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Bộ NN&PTNT soạn thảo đưa ra đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các hiệp hội cũng như các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.
Nội dung khiến nhiều người phản đối nhất là việc dự thảo chỉ phân thành 2 loại là nước mắm nguyên chất và nước mắm. Trong khi đó, trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp (còn gọi là nước chấm).
Nội dung thứ hai trong dự thảo cũng gây khó hiểu khi trong nước mắm truyền thống chỉ có cá biển và muối lại bị yêu cầu kiểm soát thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật.
Việc đưa các tiêu chuẩn này bị xem là gây khó khăn cho ngành nước mắm làm theo cách truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay.