Theo Guardian, hàng loạt chuyên gia vừa lên tiếng cảnh báo về việc nhiều nhà khoa học thần kinh nuôi cấy mô não người trong phòng thí nghiệm và cấy ghép các mô này vào não động vật, một hành động bị xem là "vượt lằn ranh đỏ".
Nuôi cấy mô não người từ tế bào gốc đang là một trong những lĩnh vực nóng bỏng nhất trong ngành khoa học thần kinh hiện đại. Có kích thước chỉ nhỏ như hạt đậu nhưng các mô này tạo ra sóng não, tương tự sóng não ở trẻ sinh non.
Nhiều nhà khoa học thần kinh tế cho rằng mô não người nhân tạo có tiềm năng tạo ra một cuộc cách mạng y học, bởi chúng cho phép giới chuyên gia nghiên cứu não người ở mức độ chưa từng có.
Mặt cắt một mô não người nhân tạo. Ảnh: EPA. |
Một số nhóm chuyên gia đã sử dụng mô não người nhân tạo để nghiên cứu các bệnh như tâm thần phân liệt, tự kỷ, thai nhi teo não khi mẹ nhiễm virus Zika. Họ kỳ vọng có thể tìm hiểu sâu những căn bệnh khó trị về não như Alzheimer’s hay Parkinson’s.
Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do thí nghiệm tạo ra não từ tế bào gốc gây tranh cãi về mặt đạo đức. Đến lúc nào thì não nhân tạo phát triển ý thức, và như vậy có khác thí nghiệm trên người sống?
Tại hội nghị thường niên của các nhà khoa học thần kinh diễn ra ngày 21/10, nhiều người tham gia đã cảnh báo về lằn ranh đạo đức của lĩnh vực khoa học này.
"Nếu có khả năng, dù rất nhỏ, rằng một bộ não tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể phát triển ý thức, thì chúng ta đang vượt qua lằn ranh đỏ. Chúng ta không muốn thực hiện nghiên cứu có thể gây ra những tổn thương", ông Elan Ohayon - Giám đốc Viện Nghiên cứu Thần kinh Green Neuroscience tại California, Mỹ - khẳng định.
Những bộ não được tạo ra từ tế bào gốc sau 10 tháng nuôi cấy. Ảnh: UCTV. |
Ông Ohayon cùng cộng sự của mình cho rằng cần phải có những cuộc kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo mô não người được tạo ra không phát triển ý thức và không phải chịu đựng sự đau đớn trong các thí nghiệm.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia Hank Greely thuộc trung tâm nghiên cứu của Đại học Stanford cho rằng não nhân tạo hiện tại chưa phát triển đến mức phải lo lắng về mặt đạo đức, nhưng đây là chuyện có thể tính tới trong tương lai.
"Sẽ là vấn đề nếu chúng ta phát hiện ra rằng não nhân tạo có phản ứng tiêu cực với các kích thích, nói cách khác là chúng có thể cảm nhận sự đau đớn. Tôi nghĩ chưa ai đến được gần mức độ đó", ông Greely nhận xét.
Trong nghiên cứu được đăng tải gần đây, các nhà khoa học ở Đại học Harvard cho biết mô não từ tế bào gốc có thể phát triển các tế bào vỏ não cũng như tế bào võng mạc. Những bộ não nhân tạo được nuôi cấy đến 8 tháng có thể tự phát triển mạng neuron và có phản ứng đối với ánh sáng.
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Học viện Salk ở San Diego cho thấy có thể cấy não nhân tạo vào chuột, thậm chí bộ não này còn thể lấy máu từ hệ tuần hoàn.