Chiều 23/11, toàn bộ tàu thuyền trên khu vực biển Cần Giờ đã vào nơi trú bão số 9 (tên quốc tế Usagi). Tất cả người dân trên những lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản được vận động lên bờ, các trường hợp không tuân thủ sẽ bị cưỡng chế để đảm bảo an toàn.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết huyện đã thực hiện chỉ đạo của thành phố. Trên 1.000 phương tiện đã về trú ẩn. Huyện thực hiện kế hoạch sơ tán dân trước 12h trưa mai, 24/11.
Khu neo đậu tàu thuyền tránh bão hồi năm ngoái. Ảnh: Lê Trai |
“4.100 người ở khu vực thấp, khu vực sạt lở, ở những nhà có nguy cơ bị sập sẽ được sơ tán đến các trường học, đồn biên phòng. Những nơi trú bão sẽ được dự trữ nước uống, thuốc men cho bà con trong thời gian ở đây”, ông Dũng nói.
Chủ tịch huyện Cần Giờ cho biết có hơn 1.000 công an, dân phòng, công chức, viên chức túc trực sẵn sàng hỗ trợ dân ứng phó khi có sự cố thiên tai.
Trước đó, UBND TP đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng TP, Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện đang trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú an toàn; chấp hành lệnh cấm tàu, thuyền xuất bến từ 13h ngày 23 /11 đến khi có lệnh mới.
Người dân Cần Giờ trong đợt trú bão. Ảnh: Lê Quân. |
Chính quyền tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển. Chính quyền phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển, kiên quyết không cho tàu, thuyền ra biển theo lệnh cấm này.
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết bão số 9 có hướng đi thẳng vào các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó TP.HCM, là một trong những địa phương có thể chịu ảnh hưởng nặng của cơn bão này.
“Nhìn cơ bản, hướng đi của bão so với hôm qua thì hướng đi hơi xuống một chút về hướng tây. Như vậy, từ đêm 24 đến rạng sáng 25/11, bão sẽ áp sát bờ, gây ảnh hưởng đến TP.HCM với sức gió từ cấp 6 đến cấp 8”, ông Quyết nhận định.