Sáng 14/5, Khánh Vân hoàn thành phần thi trang phục dân tộc tại Miss Universe. Nhiều khán giả Việt thấy phần trình diễn này chưa tới, Vân hơi bối rối lúc đầu và trang phục không thuyết phục như lúc nó được công bố ở Việt Nam.
Khánh Vân đã rất cố gắng để trình diễn phần thi của mình. |
Cụ thể, khi ở Việt Nam, trang phục không có phần gậy chống. Chính điều này tạo nên nét cứng nhắc và mất đi sự thanh thoát vốn có.
Tác phẩm "Kén Em" lúc ra mắt ở Việt Nam. |
Khoa Lỗ - nhà thiết kế sáng tạo nên bộ trang phục dân tộc có tên "Kén Em" - từng cho biết tác phẩm được thay đổi đôi chút để đảm bảo Khánh Vân tự tin tỏa sáng nhất. Do đó, phần gậy được thêm vào để đỡ sức nặng cho cô.
Trước đó, chia sẻ với Zing, nhà thiết kế tiết lộ anh đã chuẩn bị kỹ từng chi tiết, từ thứ tự lắp ghép trang phục đến cách tạo dáng để Vân không gặp khó khăn.
Tác phẩm này ra đời khi nhà thiết kế tìm thấy nguồn cảm hứng từ chuyến du lịch đến làng lụa Tân Châu. Không sắc màu rực rỡ, Khoa Lỗ chọn tông trắng cho trang phục để tạo dấu ấn riêng khi mọi người đã quá quen thuộc với những bộ đồ dân tộc màu sắc rực rỡ. Mặt khác, sắc trắng nhẹ nhàng giúp tôn vinh nét đẹp dịu dàng của Khánh Vân.
"Sắc trắng của 'Kén Em' mang ý nghĩa trong sạch, tinh khiết. Thông qua đó, tôi muốn gửi lời chúc về sự khởi đầu mới và tươi sáng đến bạn bè quốc tế sau đại dịch", Khoa Lỗ bày tỏ.
Đến với đấu trường nhan sắc lần này, Khánh Vân thể hiện nhiều khía cạnh mới của bản thân. Thay vì trung thành với hình ảnh dịu dàng như trước, cô liên tục cho thấy nét gợi cảm qua những thiết kế cắt xẻ sâu.
Hơn 25 nhà thiết kế và thương hiệu trong nước đã hỗ trợ Khánh Vân trong lần dự thi này. Ngoài những tên tuổi hàng đầu của làng mốt Việt như Hoàng Hải, Lê Thanh Hoà, Đỗ Long, Hoàng Minh Hà, Tăng Thành Công, trang phục hoa hậu Việt mang đi còn được chăm chút bởi các nhà thiết kế trẻ như Nguyễn Tiến Truyển, Võ Thành Can, Hoàng Tony, Hà Thanh Huy, Lê Ngọc Lâm...
Bên cạnh đó, tất cả phụ kiện, giày dép suốt cuộc thi cũng được thực hiện bởi các thương hiệu, nhà thiết kế Việt Nam thay vì nước ngoài.