Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết "Trăng hồng" sẽ xuất hiện tròn đầy nhất từ sáng sớm 15/4 đến sáng 18/4, tùy thuộc từng khu vực của Trái Đất. Nó sẽ đạt cực sáng vào 1h55 ngày 17/4 (giờ Hà Nội).
Theo sách niên giám The Old Farmer’s Almanac, việc gọi tên là "Trăng hồng" không phải vì Mặt Trăng có màu hồng, mà nó gắn liền với thời gian hoa rêu hồng (moss phlox), một loài hoa dại có nguồn gốc ở Bắc Mỹ bừng nở. Trăng hồng là tên gọi mà người Mỹ bản địa dành cho ngày rằm tháng 4 với sự tôn kính mùa xuân.
Theo NASA, điều khiến "Trăng hồng" trở nên đặc biệt hơn là bởi hiện tượng này đánh dấu mốc khởi đầu cho rất nhiều lễ hội tôn giáo trên khắp thế giới. Nó còn được gọi là Trăng Paschal trong lịch Cơ đốc giáo, đánh dấu Lễ Phục sinh.
Đối với những người theo đạo Hindu, Mặt Trăng này là dấu hiệu mở màn lễ hội tôn vinh thần khỉ Hanuman.
Trăng rằm nhìn từ Stonehenge, Anh tháng 4/2021. Ảnh: Independent. |
"Trăng hồng" xuất hiện vào ngày Bak Poya dành cho các Phật tử, đặc biệt là ở Sri Lanka. Đây là ngày Đức Phật đến Sri Lanka và giải quyết tranh chấp giữa các tù trưởng, tránh chiến tranh nổ ra.
Ngoài ra, "Trăng hồng" còn được gọi với nhiều tên khác như Trăng cỏ mầm (sprouting grass moon), Trăng trứng (egg moon). Nhiều bộ lạc ven biển gọi là Trăng cá, vì đây là thời gian cá ép bơi lên thượng nguồn để đẻ trứng, theo Space.