"Loài Plastic" vốn là một dự án phi lợi nhuận về môi trường được triển khai từ tháng 7/2019, thu hút gần 25.000 người theo dõi với hàng trăm nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội, cùng chuỗi hoạt động thiết thực vì môi trường tại các cửa hàng thương hiệu Việt, những sự kiện triển lãm tại Hà Nội và TP.HCM.
Cuốn sách Loài Plastic - khi nhựa trỗi dậy ra đời từ thành công của dự án, giới thiệu 7 gia tộc nhựa với 32 loài nhựa dùng một lần có khả năng gây hại cho môi trường nếu không được xử lý đúng cách.
Nhóm thực hiện dự án gồm các bạn trẻ là họa sĩ, nhà văn, nhiếp ảnh gia… đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo nội dung.
Zing có cơ hội trò chuyện với Maxk Nguyễn, Phùng Thục Uyển, Nguyễn Hồ Lương Khoa - đại diện nhóm tác giả - để tìm hiểu thêm về quá trình hình thành cuốn sách, cũng như thông điệp mà nhóm muốn truyền tải.
Cuốn sách Loài Plastic - khi nhựa trỗi dậy. Ảnh: Việt Linh. |
- Cuốn sách bắt nguồn từ một dự án môi trường do những người trẻ nhiệt huyết khởi tạo và thực hiện. Ý tưởng nào để nhóm thực hiện dự án cũng như cuốn sách này và mất bao lâu để hoàn thành nó?
- Khoảng thời gian trước, chúng mình liên tục thấy những tin tức về nạn rác thải nhựa đang ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sống. Vì thế, cả nhóm muốn cùng nhau thực hiện dự án nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa, qua đó sử dụng chúng có trách nhiệm hơn. Đó chính là tiền đề của dự án.
Việc hợp tác cùng đơn vị xuất bản cũng là cơ duyên. Khi nhìn thấy các hoạt động trên mạng xã hội và triển lãm của "Loài Plastic", phía Wings Books đã ngỏ ý muốn dựa trên ý tưởng về các loài nhựa để viết sách.
Như thế, những kiến thức hữu ích này sẽ đến tay nhiều người hơn, đặc biệt là giới trẻ. Thế là quyển sách Loài Plastic - khi nhựa trỗi dậy đã ra đời. Toàn bộ quá trình viết nội dung và thiết kế kéo dài hơn ba tháng.
Khi cầm trên tay bản hoàn chỉnh, cả nhóm đều cảm thấy công sức bỏ ra xứng đáng vì mình đã ít nhiều góp một phần vào công cuộc bảo vệ mẹ thiên nhiên.
- Môi trường đang là chủ đề nóng được quan tâm gần đây, có rất nhiều cuốn sách về chủ đề này đã và đang được xuất bản. Sách của nhóm có gì đặc biệt và khác so với các cuốn khác?
- Nhóm khi thực hiện không nghĩ đây là ấn phẩm khác biệt. Các cuốn sách về môi trường đều là thành viên trong một "biệt đội" vì một mục tiêu chung hơn là nằm trong cuộc so sánh.
Bởi ai cũng có cách thể hiện rất riêng nhưng đều mong muốn đem đến cho độc giả góc nhìn toàn diện về những gì đang thực sự xảy ra.
- Nhựa vốn là chất liệu rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Việc nhân cách hóa nhựa và biến chúng thành một loài có phải là cách tiếp cận hiệu quả không?
- Không thể phủ nhận nhựa đã trở thành một phần khó tách rời trong cuộc sống hiện đại. Ai cũng nhìn chúng quá quen mắt nên sẽ dần buông lơi phòng bị.
Cuốn sách giới thiệu 32 loài nhựa có khả năng gây hại đến môi trường. Ảnh: Wings Books. |
Thế nên, chúng mình đã nảy ra ý định tạo ra diện mạo "quen mà lạ" cho các vật dụng nhựa để gây ấn tượng mạnh cho người xem.
Hơn nữa, vì bản thân cũng là những người trẻ, chúng mình hiểu rằng phần nghe nhìn có vai trò quan trọng trong việc khơi gợi sự tò mò của cộng đồng, để họ tìm hiểu sâu hơn về dự án.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các thông tin khoa học một cách trực quan, sinh động sẽ làm người xem thấy thú vị hơn và ghi nhớ lâu hơn.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, cuốn sách này không kêu gọi tẩy chay việc sử dụng nhựa, thay vào đó là lời kêu gọi mọi người hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định dùng nhựa một lần và các loại nhựa khác.
- Những khó khăn và thách thức mà nhóm gặp phải khi thực hiện dự án và cuốn sách này là gì? Động lực nào để các bạn hoàn thành website, bộ thẻ và cả triển lãm, cũng như cho ra đời một cuốn sách?
- Khi dự án được khởi tạo, nhóm chọn cách vẽ ra kế hoạch một cách cuốn chiếu. Một dự án phi lợi nhuận với lộ trình quá dày đặc và nặng nề ngay từ ban đầu sẽ dễ khiến những người thực hiện nản lòng vì lộ trình quá dài, kéo dài hơn 1 năm.
Trong thời gian thực hiện dự án, nhóm luôn đặt câu hỏi là làm sao có thể thu hút sự quan tâm của người trẻ về môi trường, cách tiếp cận như thế nào là hợp lý. Chính vì thế, như các bạn đã thấy, sự ra đời của cả website, bộ thẻ loài nhựa, triển lãm và cả một cuốn sách.
Sự ra đời của dự án là nỗ lực bền bỉ của cả nhóm, các đơn vị đồng hành với động lực đến từ việc giúp người xem có thêm kiến thức về môi trường, nơi chúng ta sinh sống mỗi ngày.
Triển lãm "Loài Plastic" diễn ra tại TP.HCM thu hút nhiều bạn trẻ tham dự. Ảnh: Loài Plastic. |
- Khi dự án được hoàn thành, các bạn có còn luyến tiếc điều gì mà muốn làm tốt hơn trong các dự án tương lai?
- Hành trình từ lúc dự án bắt đầu là ý tưởng đến khi kết thúc kéo dài gần hai năm. Cả nhóm tin rằng mình đã cố gắng làm những gì có thể để giúp mọi người có thêm nhận thức về rác thải nhựa.
Không chỉ là cho người xem, bản thân nhóm cũng đã học được thêm nhiều kiến thức về rác thải nhựa và môi trường xung quanh.
Với các dự án trong tương lai, nhóm hy vọng sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Đó không chỉ là các bạn trẻ trong nước mà còn là bạn bè quốc tế…
"Loài Plastic Team" do nhóm người trẻ Iris Cao, Maxk Nguyễn sáng lập; Phùng Thục Uyển, Nguyễn Hồ Lương Khoa, Nghĩa Nguyễn, Tiez tổng hợp nội dung; Vũ Mini, Kawako Giang Nguyễn, Ngân Bùi, Thiên Kiều minh họa; Nam Vũ, Nhật Ánh thiết kế; Minhmigoi chụp ảnh; Adrien Dezalay thiết kế tạo hình; Võ Đình Vũ làm cố vấn chuyên môn.