Thành phố thủy tinh ra năm 1985; Những bóng ma và Căn phòng khóa kín ra năm 1986, đều là những cuốn sách riêng lẻ, và bây giờ cũng vẫn có những ấn bản riêng lẻ. Năm 1987, ba truyện này mới được in vào một tập với cái tên New York Trilogy, và ngay sau đó, Paul Auster trở thành lừng danh trong văn đàn Âu Mỹ. Dịch giả Trịnh Lữ đã chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Việt với tựa đề Trần trụi với văn chương.
Trần trụi với văn chương có thể gọi là tuyển tập mà cũng có thể chỉ là một câu chuyện với ba phần khác biệt, giống như cách Vương Gia Vệ kể 2 câu chuyện chẳng liên quan trong bộ phim Trùng Khánh Sâm Lâm vậy.
Điểm chung của ba câu chuyện là cái hậu cảnh New York, những cá nhân sống trong đó, và những bản ngã đang đánh mất đi chính mình, không phải trở thành cái vô ngã, mà trở thành một thứ dở sống dở chết, một cái khe trống nằm giữa bản ngã và vô ngã. Thành phố trở thành một người kể chuyện, cũng như một người theo dõi, suốt tiến trình phát triển của các nhân vật.
Tác phẩm Trần trụi với văn chương của Paul Auster với bản dịch Việt ngữ của dịch giả Trịnh Lữ. |
Tác phẩm sử dụng những nguyên tắc của một bộ phim kinh dị tội phạm trong một ngụ ngôn siêu hình về con người liên quan đến kiểm soát tiềm thức và sự cô đơn.
Và ba câu chuyện vừa chẳng liên quan lại vừa cứ liên quan một cách rối tung rối mù, Paul Auster đánh lừa độc giả bằng những cái tên, những cái tên viết hoa được dùng ở phần này, rồi lại được nhắc đến ở phần kia một cách như vô tình và lại đầy hữu ý. Đây cũng chính là lối viết cắt dán, phân mảnh mà văn chương hậu hiện đại thường dùng.
Trần trụi với văn chương của Paul Auster là những ánh văn vừa giễu nhại, vừa khoa trương, vừa hài hước và thực sự độc ác. Ông đẩy nhân vật của mình vào một mê cung không còn lối thoát rồi từ trong mê cung đó, khi nhân vật chấp nhận đi vào, với khao khát tìm cho được cái tâm điểm của mê cung, thì trên cuộc hành trình ấy, họ cứ dần lạc lối, dần đánh mất mình, dần trở nên không còn là mình nữa nhưng họ không thể quay lại.
Những nhân vật ấy cứ dấn sâu, dấn sâu mãi cho đến lúc đánh mất đi bản thể của chính mình. Đọc Auster, có khi cảm thấy nghẹt thở, bởi các nhân vật do ông tạo nên dường như không có trái tim, họ chỉ có não, và họ hoạt động tuân theo ý tưởng lạnh lùng của tác giả.
Họ trở thành một trò chơi, vừa chạy vừa lui vừa đẩy, để rồi bị kẹt cứng trong thành phố cũng như trong mê cung ngôn từ. Nhưng dĩ nhiên, họ gây nên nhiều phức cảm cho độc giả, và như thế, họ đã sống một đời sống thú vị.
Nhà văn Paul Auster. |
Nếu mỗi cá thể trong cuộc sống hiện đại này đang loay hoay với sự tồn tại của bản ngã mình, khiến mình u uất và nhiều buồn phiền, thiết nghĩ nên đọc Paul Auster, để thấy rằng, cái ngã của ta ta vẫn đang kiểm soát được không phải là trọn vẹn mà đủ để ta không đến mức đánh mất mình như cách Paul để các nhân vật của mình chìm nghỉm trong thành phố New York sầm uất và rộng lớn đó.
Trong mê lộ của vô vàn những bỏ ngỏ, những chỉ dẫn thậm chí cả việc bị đánh lạc hướng, người đọc vẫn hứng thú tìm ra sự thật. Và quan trọng hơn, đi đến cuối cùng, người đọc vẫn phải thốt lên “Sự thật có phải như vậy hay không?" Đó là sự trăn trở hay chính là sự tự truy vấn.
Sau khi khám phá Trần trụi với văn chương của Paul Auster, người đọc có câu trả lời: không hề có sự thật, tất cả chỉ là trò chơi ngôn ngữ, là những diễn ngôn về sự thật mà thôi. Cũng giống như bản thế của con người, dường như không có cái đích cuối cùng trong cuộc kiếm tìm. Chỉ câu hỏi “ta là ai” cứ liên tục vang vọng trong trăn trở mãi.
Giống như nhiều cuốn tiểu thuyết lúc bấy giờ đã mượn “trang phục” của những hình thức khác (ví dụ: truyện cao bồi, truyện khoa học giả tưởng và truyện trinh thám), Trần trụi với văn chương được viết dưới dạng thức trinh thám, nhưng lại mang đậm cốt cách của. Những tác phẩm hư cấu trinh thám hậu hiện đại phổ biến nhất là The Name of the Rose (1984) của Umberto Eco, The New York Trilogy (1987) của Paul Auster và Hawksmoor (1985) của Peter Ackroyd.
Chỉ với Trần trụi với văn chương, Paul Auster đã trở thành một nhà văn thành phố, cũng giống như Orhan Pamuk với Istanbul, Jame Joyce với Dulbin hay Patrick Modiano với Paris... Dù được ngụy trang với mọi sự rối rắm, mọi mê cung ngôn từ, thì thành phố vẫn trở thành một nhân vật trung tâm, là chốn trôi dạt, của tất thảy con người, cùng với ký ức, và ám ảnh.