Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần Tiến: Tuổi thơ, chiến trường và sáng tác kiểu ngẫu hứng

Trong cuốn sách “Ngẫu hứng”, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ những kỷ niệm nhỏ của ông, về sự thiếu thốn tuổi thơ, về chiến trường và căn bệnh sốt rét ác tính, phút ngẫu hứng sáng tác.

“Lớn lên như chó rách”

Mẹ sinh ra anh (Trần Tiến) trong cuộc chạy loạn năm 47, trong tiếng bom đạn xối xả trên ngọn đồi ấy. Bố giận Tây lắm, mới đặt tên con là Trần Việt Tiến. Mà anh thì chỉ là một nhạc sĩ quèn, chả được cái tích sự gì, làm sao mà giúp nước… tiến? Buồn thế!

Anh Hiếu (NSND Trần Hiếu) kể: Bọn Tây đi càn bắt được nhà mình, em thì cứ khóc ngằn ngặt, thằng da đen chạy đến tát em một cái. Mẹ trợn trừng định đánh lại thì bố bảo im, không được làm thế. Bố tìm thằng quan ba gì đó, xì xồ tiếng Pháp, đại loại là: "Nước Pháp văn minh mà đánh trẻ con à?". Thằng da đen phải cúi đầu xin lỗi Trần Việt Tiến. He he.

(Trích bài Cái áo bông sột soạt)

Tran Tien,  Ngau hung anh 1
Trần Tiến năm 14 tuổi, học sinh lớp 6 trường Tô Hiệu, Hà Nội. Ảnh: tư liệu.

Anh lớn lên như con chó rách. Lang thang suốt ngày bên cống rãnh hè phố, mong tìm được hòn bi ve đứa trẻ nào đánh rơi, có khi nhặt được vài đồng xu ở nơi rãnh thối ấy. Ngồi hàng giờ nhìn dòng nước bẩn lặng lờ trôi. Thoảng hoặc mẹ cho cục đá vôi thì sướng lắm, đặt xuống rãnh. Cục đá gặp nước, nở ra từ từ, rồi réo sôi thành ngọn núi trắng toát. Ngọn Phú Sĩ của tuổi thơ anh đấy, của khát khao dòng dõi tướng Chàm thất cơ lỡ vận đấy.

Lên bảy tuổi, bác ruột di cư vào Nam, anh về Hàng Lọng ở (giờ là phố Lê Duẩn) cho đến một ngày anh cũng lại “Nam tiến”. Ngôi trường tuổi thơ xưa ở phố Sinh Từ. Bọn học trò trốn ra Quốc Tử Giám ăn trộm muỗm. Anh thì sợ lắm. Mẹ bảo bên kia hồ Giám có con yêu nữ thứ nhất Hà Thành.

(trích: Quê hương thứ hai)

Chết hụt, được cứu sống nhờ ca khúc

Có một lần, anh nhục như con chó.

Anh sốt rét ác tính. Đơn vị phải đi. Đường chín Nam Lào mà - Mặt trận mở ra rồi đóng lại, chỉ một vài hôm là chuyển đi. Anh bị người ta vứt xuống hố chôn. Có cậu y tá yêu nhạc anh, thương anh, nên không nỡ chôn. Trời chưa cho chết!

Tran Tien,  Ngau hung anh 2
Trần Tiến (thứ ba) trên đường sang chiến khu Sầm Nưa. Ảnh: tư liệu.

Không còn gì trên người, anh cứ đi, đi không được thì bò, đuổi theo đơn vị. Đường giao liên mất dấu vì bom. Anh lạc vào rừng đầy bom nổ chậm, vậy mà không chết! (Chuyện đó sau này, nơi anh bò đến xin cứu, họ mới nói anh hay).

Bò đến được ánh đèn rất xa, nơi có con người. Té ra một trạm dây trần của lính ta. Anh gục xuống và thiếp đi. Không biết bao lâu tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm trước cửa hầm. Lính tưởng mình thám báo Việt Nam Cộng hòa không cứu. Xác chết sống lại, làm gì có giấy tờ.

Lính tra khảo. Mình đành khai báo: “Anh là Trần Tiến, tác giả bài ca ‘Thanh niên ra tiền tuyến đây!’”. Họ còn không tin, bắt hát. “Chết mẹ. Trần Tiến thật!”. Sau này, cũng lại họ kể lại, vì cha ấy có giọng trầm trầm… mới tin và mới cứu.

(trích Cái áo bông sột soạt)

Sáng tác ngẫu hứng kiểu Trần Tiến

Tự nhiên, nhớ anh Sơn (Trịnh Công Sơn)…

Cuối đời ảnh cô đơn lắm, chỉ có nhận quyết định về hưu thôi mà buồn cả năm trời.

Bảnh mắt ra đã gọi mình uống rượu, buồn như gã thủy thủ cuối chân trời.

Kẻ hay chữ, một ngày không đọc sách. Cái mặt trông đần đần, ngu ngu.

Kẻ hay làm, một ngày không có việc. Cái người trông bần thần, muốn bệnh.

Chả thế vớ được người hay chữ như anh Hoàng Thiệu Khang, mới ở Bắc vào, anh Sơn vui lắm. Uống rượu, luận triết, nói cười rổn rảng suốt ngày trên cái vườn treo ở nhà. Nhớ một buổi chiều, ba anh em đang khề khà, bỗng có một em Nhật gõ cửa, xin được hỏi anh về triết phương Đông. Em lại can tội xinh nữa. Thế là chàng bỏ hai anh em tôi, líu ríu với người đẹp cả tiếng.

Tran Tien,  Ngau hung anh 3
Trịnh Công Sơn và Trần Tiến. Ảnh: trích từ phim tư liệu.

Chờ lâu quá, thông cảm với ông anh chưa vợ, tôi ra chào, xin phép về. Đi qua nàng, tự nhiên tôi hát:

“Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc/ Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng…”

- Hay, hay. “Toa” mới bịa à, tiếp đi, tiếp đi.

Quay sang em gái xứ Phù Tang, anh khoe: “Đấy, âm nhạc phương Đông đấy”. Bây giờ chàng mới chợt tỉnh ra, xin lỗi vì đã quên bọn tôi.

Từ hôm ấy, sáng nào anh cũng gọi tôi uống rượu, để nghe tiếp những khúc sau. Nhờ gặp được tri âm kích động, tôi viết thêm được mấy chục bài nữa rồi tịt ngòi. Trước khi về cõi bên kia, anh vẫn nhớ dúi cho Bảo Phúc chút tiền, để thu thanh chùm ngẫu hứng này của tôi. Anh đi rồi, tôi cũng cất hết đi, coi như một kỷ niệm quý giá của hai anh em.

(trích: Thời của tôi thế đấy)

Trần Tiến

Bạn có thể quan tâm