- “Tôi sinh ra trong một gia đình giàu có ở Hà Nội. Khi chiến tranh xảy đến, tôi đã ra chiến trường để cứu nước, cứu dân. Tôi là người có máu lãng du, nhưng cuộc đời khiến tôi phiêu bạt. Đi đến đâu, tôi viết nhạc vui vẻ đến đó”
- "Tôi mắc ung thư vòm họng giai đoạn 4. Trong quá trình điều trị, tôi chứng kiến cảnh những người mắc bệnh như mình đã ra đi. Không ai chịu nổi sự hành hạ của những tia xạ. Tôi đã trải qua 30 lần phải bắn tia xạ và gần như gục ngã”
- “Tôi không sáng tác cho ai cả. Tôi sáng tác cho mình đỡ chóng chết. Tôi phải hát hò, viết nhạc. Tôi viết rất nhiều nhưng không phải đem ra bán, chỉ giữ cho riêng mình”
Bằng chất giọng hài hước, nhạc sĩ Trần Tiến kể về chặng đường 76 năm cuộc đời và 5 thập kỷ du ca trong âm nhạc. Những kỷ niệm buồn hay vui qua lời kể của tác giả Mặt trời bé con lại khoác một màu sắc mới.
Không bi lụy, chẳng hề than vãn dù đi qua lằn ranh sinh - tử, nhạc sĩ chưa bao giờ ngừng lạc quan hay dừng lại tình yêu với âm nhạc. Ngay cả khi trên giường bệnh, sau những lần xạ trị, ông vẫn viết Không gục ngã để động viên mình vượt bạo bệnh.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn tổ chức live show ghi dấu hành trình 50 năm sống cùng âm nhạc. Ông khẳng định đó vẫn chưa phải là đêm nhạc cuối cùng vì “đời nghệ sĩ nếu có chết cũng chết bên cây đàn như cao bồi ra đi trên lưng ngựa”.
"Không phải là lãng tử mà là sinh tử"
Hơn một tháng trước khi đêm nhạc kỷ niệm 50 năm ca hát diễn ra, nhạc sĩ Trần Tiến có buổi gặp gỡ thân mật với đồng nghiệp, truyền thông tại TP.HCM. Ngay khi vừa xuất hiện, trong bộ trang phục giản dị cùng chiếc mũ beret quen thuộc, ông gửi lời chào và cho biết: “Tôi dù có tuổi nhưng vẫn rất thích được gần với đời sống, gặp gỡ khán giả”.
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ về hành trình 50 năm gắn bó với âm nhạc. |
Nhạc sĩ khẳng định đời người nghệ sĩ chỉ chết bên cây đàn hay trên sân khấu, không mất trong nhà an dưỡng. Ông cho biết bản thân luôn muốn gặp gỡ khán giả. Nhưng nhạc sĩ nhiều lần lo sợ việc lên sân khấu khi đã có tuổi sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ, thời trai tráng của mình.
Tác giả Mặt trời bé con cũng khẳng định đây không phải là live show cuối cùng của ông, cũng không hẳn là lời tổng kết để dừng lại hành trình âm nhạc. Nhạc sĩ cho rằng lời tổng kết đáng giá nhất về âm nhạc của người nghệ sĩ nằm trong tim khán giả và những gì ông muốn nói đều gửi gắm thông qua giai điệu của các nhạc phẩm.
Nói về lý do chọn tên “Trần Tiến - Nửa thế kỷ phiêu bạt” cho live concert, nhạc sĩ cho biết ban đầu, nhạc sĩ Nguyễn Cường - bạn thân nhất của ông - một mực khẳng định Trần Tiến phải lấy từ “lãng du” thay vì “phiêu bạt”. Song khi nghĩ lại, Trần Tiến nói dù ông có “máu lãng du”, “phiêu du” nhưng những bể dâu cuộc đời đã đẩy ông vào chốn phiêu bạt. Khi đi đến đâu, ông đều sáng tác các ca khúc vui vẻ đến đó.
“Vì vậy, những từ phiêu lưu, phiêu bạt, lãng du đều đúng. Nhưng đúng nhất, không phải là lãng tử mà là sinh tử. Đúng nhất, không phải phiêu du mà là phiêu bạt”, ông bày tỏ.
"Tôi viết Không gục ngã để động viên chính mình"
Cũng trong chương trình, nhạc sĩ Trần Tiến tự đệm guitar và hát nhạc phẩm Không gục ngã. Ông kể lại ca khúc được viết khi đang điều trị bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 4 tại bệnh viện Ung bướu. Thời điểm đó, ông tận mắt chứng kiến nhiều người bệnh lần lượt ra đi.
Nhạc sĩ vừa trải qua quá trình điều trị ung thư vòm họng. |
“Tôi thường xếp hàng phía sau một người trẻ tuổi để xạ trị. Người đó không vợ, không con. Sau lần tia thứ 15, em đó đã ra đi trước mặt tôi. Tôi trải qua tia thứ 30 thì gần như gục ngã. Khi đó, tôi viết bài hát này để động viên mình sống lại”, ông kể.
Trong thời gian điều trị ung thư ở bệnh viện và cả nhà riêng, nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác rất nhiều nhưng không bán, chủ yếu giữ lại cho riêng mình.
“Đời tôi phải luôn hát hò, sáng tác. Tôi viết nhiều cho mình đỡ chóng chết. Dù sân khấu có 6.000 người, 25.000 người ở sân vận động hay sân khấu chỉ có vài người, tôi vẫn thế. Tôi vẫn hát, kể câu chuyện của riêng mình”, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ.
Để hiểu thêm về nhạc sĩ Trần Tiến, độc giả có thể tìm đọc cuốn Ngẫu hứng. Sách tập hợp 27 khúc ngẫu hứng văn xuôi được ông viết để kể về những kỷ niệm vui buồn, những cảm xúc và trải nghiệm khó quên trong suốt mấy chục năm qua.