Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần Nguyễn Lê Văn: Bỏ học đi bán vé xe

Nằm trong nhóm có điểm học phần xxuất sắc ở Đại học Thunderbird (bang Arizona, Mỹ), nhưng Trần Nguyễn Lê Văn đã quyết định về Việt Nam xây dựng hệ thống bán vé xe qua mạng.

Ảo hoàn toàn...

Hiện tại, Việt Nam có hơn 1.000 nhà xe đang phục vụ cho hơn 24 triệu người. Chứng kiến tình trạng xếp hàng chờ mua vé vẫn là nỗi ám ảnh với người dân mỗi khi lễ tết, Trần Nguyễn Lê Văn và 2 cộng sự đã tìm hiểu một số mô hình đặt vé qua mạng của cả nước ngoài lẫn trong nước như Priceline, Expedia, Tripadvisor, vexe24h.com… và xây dựng một website bán vé xe mới với hy vọng thay đổi ngành xe khách.

Vexere.com đã được Văn kết hợp các ưu điểm của các hệ thống nước ngoài, chẳng hạn, mô hình đánh giá khách hàng của TripAdvisor, cách đặt vé máy bay, khách sạn của Priceline...

Trần Nguyễn Lê Văn, người sáng lập trang web Vexere.com.

Trần Nguyễn Lê Văn, người sáng lập trang web Vexere.com.

Thay vì phải đặt mua qua điện thoại hoặc xếp hàng tại các bến xe, khách hàng vào trang Vexere.com gõ điểm đi, điểm đến và lựa chọn hãng xe, ghế ngồi theo ý muốn. Sau khi có mã số ghế, khách hàng sẽ chọn 6 hình thức thanh toán khác nhau, Internet Banking, Visa/Master, Tài khoản Ví như Ngân lượng, 123pay, chuyển khoản, trả tiền khi giao vé hoặc thanh toán tại nhà xe. Hiện vé mua qua hệ thống Vexere.com có giá thấp hơn hoặc bằng mua trực tiếp tại các quầy vé, khách hàng có thể đổi vé nếu cần. Vé bằng giấy sẽ được thay thế bằng tin nhắn sms và email, giảm thiểu được thời gian, công sức, tiền bạc in vé.

Theo Văn, mua vé online khách hàng có thể tìm thấy nhiều hãng xe và lựa chọn theo ý thích. Ví dụ, tìm trên Vexere.com, khách hàng có thể thấy 35 hãng xe chạy từ TP.HCM lên Đắk Lắk. Không chỉ tiện lợi cho khách hàng, những hãng xe sử dụng phần mềm quản lý hãng xe của VeXeRe.com có thể giúp tất cả các phòng vé của hãng xe dù bất kỳ nơi đâu cũng có thể dễ dàng biết được ghế nào trên phơi xe còn trống mà không phải tốn tiền gọi điện thoại. Ngoài ra, chủ xe có thể dễ dàng biết được doanh thu bán vé của bất kỳ tuyến đường nào chỉ trong vòng chưa tới 3 giây.

Vexere.com không phải là website đầu tiên tại Việt Nam kinh doanh mô hình này. Trước đó cũng có khá nhiều trang website bán vé xe khách như tongdaidatvexe.vn, vexe24h.com, benxemiendong.com.vn, vexetet.com. alovexe (bán từ Đà Nẵng)… Tuy nhiên, những website này độ bao phủ thấp trong khi Vexere.com có độ bao phủ khắp cả nước.

Bên cạnh đó, hầu hết những website trên khách hàng đều phải gọi điện thoại đặt vé và không được đặt ghế ngồi, chưa có dịch vụ đăng ký qua online. Theo Văn, đặt qua điện thoại có thể dẫn đến sai sót, tốn chi phí.

Mặc dù nhận được nhiều ủng hộ của các tổ chức nhưng Văn cho biết thời gian đầu đi tiếp cận thuyết phục các nhà xe sử dụng phần mềm bán vé qua mạng rất vất vả, chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Hầu hết các hãng xe đều nghĩ nhóm muốn tiếp cận với mục đích quảng cáo. Sau hai tháng kiên trì thuyết phục, vào giữa năm ngoái, Vexere.com mới nhận được đồng ý đầu tiên, cho đến nay đã có khoảng 20 hãng xe hợp tác.

Hay vừa ảo vừa thực

Văn khá tự tin vào thành công của Vexere.com vì hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác trong dự án này.

Đại diện của quỹ đầu tư Cyber Ventures Agent của Nhật, ông Nguyễn Mạnh Dũng nhận xét nhu cầu đi lại ngày càng tăng trong khi không phải đối tượng nào cũng có điều kiện đi máy bay. Thứ hai, đây là một mô hình phục vụ cộng đồng, giúp ích doanh nghiệp. Ông cho biết mô hình này đã giải quyết bài toán đi lại của Ấn Độ và phục vụ thành công cho khách du lịch tại Maylaysia, Singapore. Tiện ích mang lại của Vexere.com cộng với việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến sẽ giúp cho mô hình này phát triển.

“Khoảng 3-5 năm nữa, mô hình này sẽ phát triển. chỉ cần đầu tư bài bản và cung cấp thông tin đầy đủ tiện ích thì sẽ thu hút người tiêu dùng. Nhà đầu tư đã thấy được tính thực tế của mô hình này”, ông Dũng nhận xét.

Tuy nhiên, khách đi xe hiện nay phần lớn là người lao động có thu nhập thấp, trung bình ít sử dụng internet. Nhiều khách hàng lớn tuổi hoặc ở quê phải nhờ con cháu mua vé giúp. Đây là một bài toán khó cho Vexere.com.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, Văn cho biết hiện giờ Vexere.com đã có những phương án, thiết kế hệ thống thanh toán đa dạng, không giới hạn trên mạng và trả tiền khi giao vé. Sau này sẽ dần hướng dẫn cho khách hàng chuyển sang các hình thức thanh toán online. Để làm được điều đó, Vexere.com còn cung cấp lợi ích đến khách hàng khi sử dụng thanh toán online. Chẳng hạn, giá vé sẽ rẻ hơn trả tiền mặt. Hiện Vexere.com hướng vào hình thức thanh toán mobile, vì đa phần khách hàng đều sử dụng điện thoại. Không tiết lộ thông tin lượng vé bán hàng ngày nhưng Văn cho biết, Vexere có khoảng 12.000 khách hàng truy cập/ngày.

Tuy nhiên, kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay chưa mấy thành công, một phần vì thói quen tiêu dùng thích được tận tay cầm vào sản phẩm. Một vài công ty thương mại điện tử như Kay.vn, do Tom Trần, cựu Tổng Giám đốc NhomMua, sau một thời gian bán hàng trực tuyến cũng mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Một số công ty chuyên về thời trang ở Mỹ và Canada như Warby Parker, Frank & Oak, Bonobos hay Indochino đều đã phát triển chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm song song với hoạt động kinh doanh trực tuyến ban đầu. Liệu rằng một ngày nào đó Vexere.com cũng phải đi theo con đường này. 

Học sư phạm nhưng giỏi kiếm tiền từ bồ câu, trăn

Tốt nghiệp sư phạm văn Cao đẳng Cần Thơ, nhưng anh Nguyễn Quốc Hội, ở Cần Thơ lại không theo nghề giáo, mà nuôi trăn, bồ câu làm giàu.

http://www.nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=20721-tran-nguyen-le-van--bo-hoc-di-ban-ve-xe

Theo Thanh Hương/Nhịp Cầu Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm