Trần Ly Ly là một trong những nghệ sĩ tài năng của làng múa Việt Nam. Chị sớm tiếp cận múa vì sinh ra trong cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Những năm gần đây, Trần Ly Ly được biết đến nhiều hơn với vai trò “cầm cân nảy mực” trong các chương trình truyền hình thực tế. Chị gây ấn tượng trước khán giả truyền hình với gương mặt sắc sảo, mái tóc tém đầy cá tính và những nhận xét “đanh thép” về chuyên môn.
NSƯT Trần Ly Ly trên ghế nóng các chương trình truyền hình thực tế. Ảnh: NVCC |
Khi nào còn cần thiết thì sẽ không nhàm chán
- Những nhận xét sắc sảo, đanh thép của chị về chuyên môn khiến thí sinh vừa nể, vừa sợ. Chị nói gì về ý kiến cho rằng Trần Ly Ly được giao "vai ác" trên truyền hình?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đóng vai ác khi nhận xét các thí sinh trên truyền hình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, những nhận xét của mình trên cương vị giám khảo phải thể hiện được sự công bằng và cả sự nhân văn. Nếu không công bằng thì không thể “cầm cân nảy mực” bất cứ một chương trình hay cuộc thi nào và công chúng cũng sẽ không tin tưởng mình.
Nếu ví von thì tôi xin nhận mình là “vai” khó chứ không phải vai hiền hay vai ác. Khó tức là nghiêm khắc, trong nghệ thuật sự nghiêm khắc vô cùng giá trị. Còn trong một cuộc thi truyền hình, sự nghiêm khắc đó có thể bị cho là ác nhưng ác mà đúng, nghiêm mà đúng thì thực sự rất tốt và cần thiết đối với thí sinh và những người tham gia.
- Xuất hiện nhiều trong các chương trình truyền hình thực tế rất dễ gây nhàm chán. Chị phản hồi thế nào về ý kiến này?
- Tôi nghĩ sự xuất hiện của mình trong một số cuộc thi trên sóng truyền hình là cần thiết. Đơn vị tổ chức các chương trình này, họ cũng rất thông minh, mình phải thực sự cần thiết thì họ mới mời chứ không phải ngẫu nhiên mà có thể ngồi ghế nóng và đưa ra những nhận xét, góp ý cho thí sinh được. Tôi cho rằng, khi nào mình còn nhận được những lời mời chứng tỏ mình còn cần thiết, còn được tin tưởng. Khi người nghệ sĩ còn cần thiết với công chúng thì sẽ không gây sự nhàm chán trên truyền hình, dù người đó là ai.
Múa phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu…
- Chị vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú lĩnh vực múa, nhiều người cho rằng hành trình để nghệ sĩ múa được vinh danh thường khó hơn các loại hình nghệ thuật khác. Chị nghĩ sao?
- Trước hết, tôi muốn chia sẻ cảm xúc tự hào khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và được đứng chung hàng ngũ với những người bạn bè. Nghệ thuật múa thì đúng là khó khăn hơn nhiều các loại hình nghệ thuật khác vì múa khó được vinh danh và công nhận hơn. Do đặc thù nghề nghiệp nên chúng tôi thường không có quá nhiều thời gian để cống hiến trực tiếp trên sân khấu.
Mỗi nghệ sĩ múa thường chỉ làm nghề được trong khoảng 10 năm, sau đó chuyển sang các công tác khác như biên đạo, giảng dạy. May mắn là hiện nay Nhà nước đã điều chỉnh, để được vinh danh là Nghệ sĩ Ưu tú thì nghệ sĩ múa chỉ cần cống hiến 10 năm, trong khi các loại hình nghệ thuật khác là 15 năm. Nhưng tôi cũng phải nói thật rằng, với múa đạt được Nghệ sĩ Nhân dân thì vô cùng khó.
- Mỗi đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ thường có rất nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của chị về vấn đề này?
- Tôi nghĩ rằng, chúng ta có một bộ phận để nghiên cứu về luật và thiết lập những quy định tốt nhất có thể. Sở dĩ có tranh cãi mỗi lần xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là vì mỗi người lại có những suy nghĩ, quan điểm và cách nhìn khác nhau. Người nhìn ở góc độ chủ quan chắc chắn sẽ khác với người nhìn ở góc độ khách quan. Tuy nhiên, việc xét tặng danh hiệu thì không thể khách quan hay chủ quan được mà cần phải có hệ thống quy định tương đối cụ thể, rõ ràng. Tôi nghĩ về cơ bản các quy định đã hợp lý, còn những gì chưa hợp lý có thể điều chỉnh trong những lần xét tặng sau.
Nghệ sĩ vốn là những người giàu cảm xúc hơn những người bình thường và dễ rung cảm với những thứ xung quanh. Do vậy, tất cả sự vinh danh, khen thưởng đối với người nghệ sĩ là rất quan trọng. Danh hiệu sẽ kích thích người nghệ sĩ làm nghề tốt hơn, vượt qua những khó khăn để cống hiến cho nghệ thuật. Việc xét tặng nên tiếp diễn.
Trần Ly Ly trong buổi lễ phong tặng danh hiệu NSƯT. Ảnh: Tuấn Mark |
- Chị nói gì về những khó khăn trong hành trình theo đuổi nghệ thuật múa?
- Tôi cho rằng, không phải ngày một, ngày hai mà có thể thành công trong nghệ thuật được, muốn thành công phải trải qua những khó khăn, thử thách. Múa không có điểm đích, người nghệ sĩ phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo ra những cái mới. Đó là yêu cầu quan trọng mà bất cứ ai theo đuổi ngành nghệ thuật này cũng phải nắm rõ.
Đến giờ, tôi vẫn luôn luôn suy nghĩ cho nghề, tự hỏi bản thân làm gì để phát triển nghệ thuật múa. Tôi cho rằng nghệ sĩ theo đuổi ngành nghệ thuật múa cần phải luôn luôn suy nghĩ, bên cạnh đó cũng phải có sự kiên trì và lòng đam mê thực sự. Ngày này qua ngày khác, nghệ sĩ múa phải đổ mồ hôi trên sàn diễn, thậm chí cả nước mắt và máu thì mới khẳng định được tên tuổi.
- Dự định trong năm 2016 của chị là gì?
- Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm những vở múa đương đại lớn và xuất hiện trên truyền hình trong vai trò giám khảo với mong muốn nâng cao chất lượng nghệ thuật của một số chương trình thực tế này. Tôi sẽ cố gắng hết sức để làm tốt và hoàn thành các dự định công việc nghệ thuật của mình trong năm tới.