Trần Ly Ly không trách Hòa Hiệp 'coi thường' giám khảo
Trong khi diễn viên Hòa Hiệp bị phản ứng dữ dội vì đã có những phát ngôn nóng nảy, cạnh khóe với giám khảo thì giám khảo Trần Ly Ly lại nhận định, đó là phản ứng bình thường và chị không lấy đó làm phiền lòng.
- Nhiều khán giả tỏ ra bức xúc trước câu nói của Hòa Hiệp về giám khảo. Bản thân chị thấy sao?
- Tôi nghĩ là Hòa Hiệp có hơi nóng nảy. Nhưng đó là tâm lý chung của những người bị thua. Theo tôi, mỗi người nên học cách tiếp nhận chiến thắng và học cách thua cuộc. Cuộc thi nào cũng thế, khi đã tham gia thì chỉ có hai cách, thắng hoặc thua. Cần phải xác định tư tưởng rằng, mình có thể đi đến cuối cùng, nhưng cũng có thể sẽ dừng lại ngay lần đầu tiên. Điều đó mới tạo cho mình một tâm lý thoải mái và một tinh thần tốt được. Tôi không đánh giá về phản ứng của Hòa Hiệp, bởi tôi cho rằng là con người ai cũng có những phút như thế, không ai có thể nói trước được.
- Tất nhiên phản ứng là quyền của mỗi người, nhưng cách phản ứng ra sao sẽ nói lên phông văn hóa của họ. Rõ ràng, nhận xét như thế là không tôn trọng giám khảo, cuộc thi và cũng là không tôn trọng bản thân mình. Là giám khảo của cuộc thi, chị hoàn toàn có thể đưa ra những phản ứng mạnh mẽ, thắng thắn hơn vì rõ ràng câu nói đó là có động chạm đến giám khảo?
- (Cười) Tôi lại không thấy có vấn đề gì lắm. Trình độ của giám khảo thì tất cả mọi người đều có thể đánh giá được. Không thể chỉ một câu nói mà nói lên trình độ hoặc phủ nhận khả năng của người khác. Giám khảo có đánh giá riêng của họ, thành ra tôi không quá lo lắng vì phản ứng này.
- Nghĩa là với phản ứng của Hòa Hiệp đã cho thấy, anh chưa học được cách tiếp nhận và chấp nhận thua cuộc?
- Tôi nghĩ là họ không chuẩn bị cho mình tâm lý thua cuộc thì đúng hơn, hoặc là họ nghĩ mình có thể đi dài hơn. Nhìn một cách tích cực thì điều này chứng tỏ, họ có mong muốn được đi sâu hơn, nuối tiếc hơn khi phải dừng cuộc thi… Nhưng nếu nghĩ các thí sinh khác cũng giỏi như mình nhưng họ may mắn hơn nên chưa phải dừng cuộc chơi thì sẽ khác. Nếu ở trong nghề thì các bạn ấy sẽ biết rằng, ngoài khả năng, chỉ cần hôm đó tâm lý mình không tốt, nhạc không tốt, bạn nhảy của mình có vấn đề, hay một vấn đề tưởng chừng đơn giản như trang phục của mình hôm đó quá chật, nhưng thực ra nó lại ảnh hưởng rất lớn đến bài thi, như làm cho mình di chuyển khó hơn...
- Đã có những thí sinh khi dừng cuộc chơi có những phản ứng như của Hòa Hiệp. Chị có nghĩ các đơn vị tổ chức nên có sự trang bị trước cho thí sinh về “tâm lý thua cuộc” như chị vừa nói không?
- Mình nghĩ là không nên, vì như thế này mới là cảm xúc tự nhiên. Ngay trong chương trình, BTC cũng đã thực hiện rất nhiều các clip thua cuộc cho từng thí sinh, như thế là họ cũng đã được ngầm hiểu rồi. Nhưng họ vẫn có những phản ứng như thế, tôi cho đó là do sự nóng nảy thôi. Khi sự tập trung càng cao thì phản ứng càng mạnh. Nếu là không cao họ sẽ không có phản ứng mạnh như thế. Cách phản ứng như thế thực ra cũng có khía cạnh tích cực. Họ thích chương trình, họ thích tham gia thì họ mới buồn. Còn nếu không, họ sẽ tặc lưỡi cho qua ngay.
- Có vẻ như chị đã xác định cho mình một tâm lý không quá đặt nhiều tâm huyết vào cuộc thi này, nên những phản ứng của chị cũng khá lạc quan, cảm thông và không nặng nề lắm khi có những nhận xét không hay về vai trò của mình?
- Đúng là mình lạc quan, nhưng không lạc quan theo kiểu, “ôi nó là một cuộc chơi ấy mà”, hoàn toàn không phải. Chỉ có điều, đây là cuộc thi, nhưng cũng là cuộc chơi dành cho những người không chuyên, họ từ những lĩnh vực khác nhau bước sang nhảy múa từ con số 0. Cho nên sự thay đổi của họ dù ở cấp độ nào cũng là một sự nỗ lực hết sức. Là giám khảo, đương nhiên chúng tôi hiểu rõ điều này nên trong những nhận xét, bạn cũng thấy là chúng tôi chỉ góp ý chứ không quá xét nét về vấn đề chuyên môn.
- Giám khảo là nghề áp lực. Là một biên đạo múa, chị có gặp những áp lực từ những phản ứng của khán giả, thí sinh ở cuộc thi này không?
- Áp lực thì không. Cuộc thi này có cái hay ở chỗ, thí sinh sẽ bị loại trực tiếp ngay từng vòng dù trước đó bạn ấy có thể rất tốt chứ không căn cứ vào tổng thể của các vòng. Cho nên nó tạo nên áp lực cho thí sinh là luôn luôn phải cố gắng đến ngày cuối cùng và làm nên sự thú vị riêng. Nó vui mà, là cuộc thi nhưng cũng có yếu tố vui vẻ.
- Có nhiều người khi ngồi ghế giám khảo đã vì những nhận xét vội vàng của khán giả, thí sinh mà nản chí. Gặp những trường hợp này, chị có bị nản không?
- Cũng có lúc chứ. Nhưng tôi cố gắng nghe ngóng, tổng hợp từ nhiều chiều. Con người mà, chúng tôi lại là nghệ sĩ nữa thì cảm xúc cũng nhiều hơn, cho nên tôi không để mình bị ảnh hưởng từ bên ngoài một cách quá trực tiếp. Những lúc xảy ra việc này việc kia, tôi tập cho mình một cái tâm an định để đi hết và làm đúng với vai trò của mình. Cuộc thi này cũng là để vui thôi chứ không quá nặng về chuyên môn nên không việc gì phải quá căng thẳng.
- Vậy nhận xét “giám khảo chẳng khác gì diễn viên trên sân khấu”, “phải nghe theo sự sắp xếp của nhà sản xuất” làm chị có suy nghĩ gì?
- Cái này với mình thì không, còn với người khác thế nào thì mình không biết. Trong ngành múa, mình còn nhiều việc phải làm, dàn dựng tác phẩm, làm dự án về nghệ thuật với nước ngoài, làm quản lý (hiện biên đạo múa Trần Ly Ly là Phó hiệu trưởng Trường Múa TP HCM - PV)… chứ không thể đánh đổi vì bất cứ điều gì. Nhưng ở góc độ “diễn viên” thì có đấy. Vì bạn ngồi đó, xem một tiết mục chỉ diễn ra trong vòng 1,5-2 phút, sau đó phải thể hiện quan điểm, nhận xét cũng rất nhanh trong 20 giây. Điều này đòi hỏi một khả năng ứng biến nhanh, tổng hợp nhanh và khả năng diễn đạt nữa. Cái đó cần đến tố chất của một “diễn viên”.
- Mặt bằng thí sinh năm nay không có sự bứt phá hẳn lên như Ngô Thanh Vân, Thu Minh, Minh Hằng… Chị có nghĩ thế không?
- Tôi thấy thí sinh năm nay tốt chứ, vì mặt bằng chung rất cao cho nên mới khó có người bật lên hẳn.
- "Bước nhảy Hoàn vũ" đã đi được hơn nửa chương trình, bản thân chị đã có lựa chọn về ngôi vị quán quân chưa?
- Cũng có, nhưng phải bí mật. Kinh nghiệm làm biên đạo cho tôi biết rằng, có những thí sinh mình rất kỳ vọng, đặt rất nhiều công sức và tâm huyết luyện tập để đi thi đấu, nhưng đến ngày thi đấu thì họ lại gặp vấn đề không thể lường trước. Vậy là bao nhiêu công sức của mình đều đổ sông đổ biển hết. Ở cuộc thi này cũng thế. Tất nhiên là mình có dự đoán riêng của mình. Nhưng cái đó còn phụ thuộc vào bản lĩnh và phong độ của họ đến đâu nữa. Khi bước vào một cuộc thi, vấn đề nhiều khi không phải mình kém hơn mà là phong độ của ai tốt hơn thì người đó mới là người chiến thắng.
Theo Giadinhnet