Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tràn lan tôm độc hại ở chợ

Cần quản lý từ gốc các cơ sở nuôi trồng, chế biến thì mới xử lý triệt để nạn tôm bơm tạp chất, thủy sản nhiễm kháng sinh cấm.

Các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thủy sản cho biết, ngay cả hàng xuất khẩu kiểm soát chặt chẽ vẫn để lọt những lô hàng chứa tôm tạp chất, dư lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng. Thị trường nội địa đang trở thành nơi tiêu thụ cho các sản phẩm thủy sản bẩn trên vì ngay cả cơ quan quản lý cũng không đủ sức kiểm soát.

Thị trường nội địa béo bở

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, cho biết hiện nay các DN có lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo nhiễm kháng sinh là do khi mua không kiểm, xuất đi đại nên dính. Song những DN có kiểm cũng không kiểm nổi vì chi phí quá lớn. Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) kiểm nhưng không giải quyết được.

“Đó là thị trường xuất khẩu, còn thị trường nội địa thì thủy sản bẩn đã bán tràn lan nhiều năm nay rồi. Không xuất khẩu được thì tiêu thụ nội địa. Đơn giản là không cơ quan nào kiểm tra, ngăn chặn nổi. DN nói kiểm soát vùng nuôi nhưng nói thật kiểm không nổi, vì không có quyền quản nông dân dùng thuốc kháng sinh. Không chỉ con tôm mà con cá tra, cá lóc, lươn, ếch đều có nguy cơ cao dư lượng kháng sinh cấm bị vượt ngưỡng. DN còn phải trả tiền cho người nuôi để được kiểm kỹ về dư lượng kháng sinh. Nuôi tôm tất nhiên phải dùng kháng sinh vì con tôm bị hàng trăm thứ bệnh, người nuôi hiện nay lại dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ”, ông Kịch chia sẻ.

Thủy sản nhiễm kháng sinh có thể kiểm ở vùng nuôi, nhưng đối với tôm bơm tạp chất còn phức tạp hơn. Nhiều DN cho biết họ phải kiểm, giám sát ở nhiều đầu mối như người nuôi, đại lý thu mua, vận chuyển, cơ sở chế biến và ngay chính “người nhà”.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tiết lộ DN phải tốn cho nhân viên giám sát từ lúc nuôi đến khi thu hoạch, vận chuyển vào tận kho DN. Rất mất thời gian, chi phí, nhân lực. DN nhiều khi phải tính toán thời gian của các xe vận chuyển, tính xem xe thu mua từ vùng nuôi hay đại lý thu mua đến kho của DN mất bao nhiêu thời gian. Từ đó quy định thời gian cho từng xe vận chuyển, nếu xe nào về lâu hơn mức thời gian quy định, DN sẽ kiểm tra lại hàng.

Người tiêu dùng khó nhận biết được thủy sản bán ngoài chợ có nhiễm kháng sinh hay không.

Người tiêu dùng khó nhận biết được thủy sản bán ngoài chợ có nhiễm kháng sinh hay không.

Có nhiều DN dù kiểm chặt vùng nuôi nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhân viên của mình câu kết với đại lý bơm tạp chất (thạch rau câu) vào tôm để tăng trọng lượng, hưởng lợi”, ông Quang kể.

Cần trị từ gốc

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng, cho rằng câu chuyện thủy sản bị bơm tạp chất, kháng sinh vượt mức đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có giải pháp triệt để. Nguyên nhân là cơ quan quản lý và DN đổ lỗi cho nhau. Cơ quan quản lý đổ lỗi DN không kiểm. Còn DN thì đổ trách nhiệm kiểm thuộc về cơ quan nhà nước. Hết đổ cho nhau họ quay sang đổ cho người nuôi.

Theo ông Nhiệm, hiện nay giải pháp trị thủy sản bẩn đang làm ở phần “ngọn”, cần giải pháp trị từ “gốc”. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát những loại thuốc thú y, chất cấm trong thủy sản. Hiện hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. Có những DN làm ăn bất chính, đóng gói nhãn mác rồi tiếp thị tới người dân. Cơ quan quản lý cần có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn thông tin cho người dân, cần kiểm soát đầu vào việc nhập khẩu các kháng sinh cấm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc công ty CP Gò Đàng, cũng cho biết tôm hiện nay phần lớn DN phải thu mua, còn cá thì tự nuôi nhiều. Con cá thì DN có thể kiểm soát vùng nuôi được. Tuy nhiên, đối với con tôm, cơ quan nhà nước phải kiểm chặt việc bơm tạp chất, xử phạt thật nặng. Chẳng hạn, tại các chợ đầu mối, các cơ quan quản lý phải cùng phối hợp để kiểm tra nguồn gốc hàng, đầu tư máy móc kiểm nghiệm nhanh…

Người tiêu dùng bó tay

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần Sài Gòn Food, cho biết đối với việc bơm rau câu vào tôm, chất rau câu sẽ dính vào giữa lớp vỏ và lớp thịt, giữ được độ đông đặc khi để đông lạnh, giúp tăng trọng lượng. Người tiêu dùng khó nhận biết được những loại này nên sẽ thiệt thòi vì bị gian lận trọng lượng. Nhà máy chế biến nguyên liệu, khi lột vỏ tôm thì rau câu cũng đi theo nên cũng bị ảnh hưởng về trọng lượng.

Theo bà Lâm, đối với sản phẩm của công ty, khâu kiểm soát thực hiện từ quá trình đánh bắt đến khi đưa vào chế biến. Sản phẩm nội địa cũng được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn chất lượng của hàng xuất khẩu. Một số DN trong ngành cảnh báo tình trạng sử dụng chất tăng trọng trong tôm đã bóc vỏ. Nếu khi người tiêu dùng về chế biến thấy tôm bị teo lại nhiều đó là bị sử dụng chất tăng trọng. Đây là loại phụ gia vẫn được thế giới cho phép dùng với tỉ lệ nhất định, giúp cho tôm không bị mất trọng lượng mà còn ngon và giòn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam đã diễn ra tình trạng sử dụng quá tỉ lệ cho phép loại phụ gia này. Có trường hợp tôm bóc vỏ bị ngâm đến vài ba lần, khi về nấu trọng lượng chỉ còn 50%. Người tiêu dùng khi mua tôm cần lưu ý một số đặc điểm cảm quan như sau: Tôm bị bơm tạp chất thường bị phù đầu, giãn đốt, nhô đầu, gai vểnh, xòe đuôi.

Tuy nhiên, đối với thủy sản nhiễm kháng sinh thì ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết không thể nhận biết được bằng cảm quan. Ngay cơ quan kiểm nghiệm cũng mất nhiều ngày với máy móc hiện đại mới có kết quả.

Bơm tạp chất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

"Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản chỉ lấy mẫu kiểm tra cho từng lô hàng, nên muốn thủy sản xuất khẩu không bị cảnh báo thì bản thân DN phải tự kiểm chặt nguồn gốc hàng của mình. Còn trong nước, các chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản tăng cường lấy mẫu kiểm về dư lượng kháng sinh. Việc bơm tạp chất, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương, Bộ Công an đang phối hợp kiểm tra xử phạt vấn nạn này. Hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với tội danh lừa dối khách hàng, có thể phạt tù ba năm".

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP

"Chỉ có tôm cấp đông mới bị thương lái bơm tạp chất giúp cho tôm nặng ký hơn. Tôm sống không thực hiện được vì con tôm sẽ chết. Cách đây vài tháng, do nghi ngờ bốn vựa có hành vi gian lận thương mại nên chợ đã chủ động lấy mẫu đi kiểm tra. Kết quả phát hiện có một vựa vi phạm việc bơm rau câu vào tôm. nhưng số lượng không lớn".

Ông NGUYỄN ĐĂNG PHÚ, 
Phó giám 
đốc c̣ đầu mối Bình Điền

Vì sao mực lạ lại có giá siêu rẻ?

“So sánh mực nhập khẩu giá rẻ từ Đài Loan, Hàn Quốc với mực của Việt Nam không khác gì so thứ phẩm với đặc sản. Mực ở Đài Loan ăn như khoai sống, không có độ giòn, ngọt, thơm".

http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong/tran-lan-tom-doc-hai-o-cho-525569.html

Theo Quang Huy - Tú Uyên/ Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm