Sữa bột dành cho trẻ em vốn là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, nhất là các loại sữa nhập ngoại. Tuy nhiên hiện nay, nhiều loại sữa bột gắn mác hàng "xách tay” không có nhãn phụ, hoá đơn xuất xứ, không được kiểm nghiệm chất lượng đang bán tràn lan trên thị trường.
Chuộng hàng xách tay
Theo khảo sát, sữa ngoại xách tay từ các thương hiệu sữa bột nổi tiếng dành cho trẻ như: Hikid (Hàn Quốc), Meiji (Nhật Bản), Aptamil (Anh), Similac, Pediasure (Mỹ), Blackmores, S26 (Australia)… đang được rao bán tràn lan trên chợ mạng và các cửa hàng tạp hóa, đại lý bán sữa.
Mức giá bán các sản phẩm xách tay cao hơn vài chục đến vài trăm nghìn đồng so với hàng nhập chính ngạch. Đơn cử, sữa Meiji hàng nhập khẩu Nhật Bản cho trẻ 0-1 tuổi giá bán 470.000 - 550.000 đồng/hộp 800 gram thì loại xách tay được bán với giá 600.000 - 700.000 đồng/hộp.
Mặc dù không được kiểm nghiệm chất lượng, các loại sữa xách tay này lại được khá nhiều người tiêu dùng tìm mua.Ảnh: Thuý Kiều. |
Theo quan sát, những sản phẩm sữa xách tay đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
“Chị có người nhà làm tiếp viên hàng không xách về nên yên tâm đảm bảo không có hàng giả”, một tài khoản chuyên bán sữa xách tay quảng cáo.
Chị Nguyễn Nga, chủ một đại lý sữa trên đường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết hiện nay, sữa ngoại về Việt Nam chủ yếu qua đường nhập khẩu và xách tay. Nhưng mua sữa xách tay ẩn chứa nhiều rủi ro hơn bởi nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng và không được kiểm định chất lượng.
Theo chị Nga, sữa xách tay về thường không có nhiều, dễ bị các loại sữa giả, sữa kém chất lượng trà trộn. Thậm chí có rất nhiều sản phẩm được gắn mác sữa bột các hãng nổi tiếng nhưng lại được “xách tay” từ Trung Quốc về.
Thực tế, phần lớn người tiêu dùng khi mua sản phẩm thường ít quan tâm đến việc sản phẩm có nhãn phụ, giấy tờ kiểm định chứng minh nguồn gốc sản phẩm.
Đang nuôi con nhỏ hơn 1 tuổi, chị Thanh Huyền (Quảng Ninh) thường đặt mua sữa Hikid xách tay Hàn Quốc trên mạng vì theo chị sữa xách tay tốt hơn sữa nhập khẩu. Về cách sử dụng, bảo quản sữa, chị đều làm theo hướng dẫn của người bán hoặc tham khảo trên mạng.
Theo chị, trên chợ mạng hiện có nhiều người bán thường lấy ảnh, hoá đơn mua hàng của người khác để lừa người tiêu dùng. "Tôi cũng đắn đo lựa chọn nơi uy tín để mua chứ sữa xách tay thì không có nhãn mác Việt, người bán có hoá đơn mua hàng nhưng tôi đọc cũng không hiểu gì", chị nói.
Thu giữ lượng lớn sữa nhập lậu gần hết hạn sử dụng
Nhắm vào tâm lý người tiêu dùng vốn ưa chuộng các sản phẩm nhập ngoại, nhất là các mặt hàng sữa, nhiều đối tượng đã tìm đủ mọi thủ đoạn nhập lậu sữa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán kiếm lời, thậm chí cả các loại sữa đã gần hết hạn sử dụng.
Thực tế, gần đây lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm sữa nhập lậu. Ngày 11/9, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.000 hộp sữa Hàn Quốc nhãn hiệu Hikid không có tem nhãn phụ theo quy định và gần hết hạn sử dụng.
Với giá bán trung bình tại Việt Nam khoảng 500.000 đồng/hộp sữa cùng với đủ loại hàng hóa khác thì tổng giá trị của kho hàng này lên tới hàng tỷ đồng.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện một căn chung cư tại địa chỉ 88 Láng Hạ (Hà Nội) là địa điểm trung chuyển của nhiều loại hàng hóa Hàn Quốc nghi nhập lậu vào Việt Nam. Tại đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 cũng tạm giữ hàng nghìn loại thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, mỹ phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ.
Gần 1.000 hộp sữa Hàn Quốc nhãn hiệu Hikid vừa bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: QLTT. |
Trước đó vào tháng 8/2020, Quản lý thị trường Lạng Sơn đã phát hiện và thu giữ 54 đơn vị sản phẩm gồm các mặt hàng sữa bột NAN loại 400 gram/hộp và 800 gram/hộp; sữa bột PEDIASURE loại 400 gram/hộp không có nguồn gốc xuất xứ.
Đáng chú ý, mới đây nhiều loại sữa bột dành cho trẻ vừa được Hội đồng tiêu dùng Hong Kong (Trung Quốc) tố chứa chất gây ung thư, hoặc không đủ hàm lượng dinh dưỡng... vẫn đang được bán rộng rãi tại các cửa hàng sữa bột dành cho trẻ em.
Trong những mẫu sữa chứa chất độc hại này có các nhãn hàng thuộc thương hiệu nổi tiếng như: Wyeth, Mead Johnson, Abbott, Meiji… Nếu sử dụng quá liều lượng, các hợp chất có trong những mẫu sữa này làm hỏng chức năng thận, đột biến DNA và dẫn đến ung thư.
Bà Phương Thanh Thuý, kiểm soát viên Đội QLTT số 4, Cục QLTT Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng sữa cho trẻ em cần lưu ý về nhãn mác, xuất xứ hàng hoá và đặc biệt lưu ý thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Do đó, người tiêu dùng nên tìm mua ở hệ thống đại lý, cửa hàng sữa được phân phối chính hãng có đầy đủ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tem nhập khẩu, nhãn mác rõ ràng.