Ngân hàng Nhà nước cho biết, các lãi suất điều hành chủ chốt sẽ giảm từ ngày 18/3. Theo đó, trần lãi suất huy động ngắn hạn bằng VND từ 7%/năm xuống còn 6%/năm, USD từ 1,25% xuống còn 1%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống 6,5%/năm. Lãi suất không kỳ hạn hoặc dưới 1 tháng là 1%/năm, thay vì 1,2% như trước. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, các ngân hàng vẫn được tự xác định dựa trên nhu cầu vốn của mình.
Trước khi mức trần mới được áp dụng, các ngân hàng thương mại cũng chủ động giảm lãi suất huy động với mức giảm phổ biến về quanh 6%/năm. Sacombank áp dụng lãi suất trần huy động còn 6,25-6,3%/năm - giảm 0,1-0,3% so với trước. Trong vòng 1 tháng, ngân hàng này có 3 lần giảm lãi suất liên tục. Tại một số nhà băng khác như ACB, OceanBank, Techcombank, Eximbank cũng sớm có động thái giảm lãi suất đầu vào. Tại Eximbank, hôm 12/3, lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ còn 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn dài từ 2 năm trở lên. Các kỳ hạn ngắn, mức lãi niêm yết thấp nhất chỉ còn 5,9%.
Thông điệp giảm lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ tuần trước đó, trong tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình ở hội nghị tại Cần Thơ. Bên cạnh cam kết hạ trần lãi suất huy động, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn về 7%/năm đối với sản xuất nông nghiệp.
Với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lãi suất cho vay giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm.