Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trần Đặng Đăng Khoa - người lái xe đi tìm kho báu cuộc đời

Trên chuyến hành trình đi vòng quanh thế giới, Trần Đặng Đăng Khoa tự nhận mình theo bước chân của chàng Santiago trong cuốn sách "Nhà giả kim" để đi tìm kho báu đời mình.

Đầu năm 2021, phượt thủ, travel blogger Trần Đặng Đăng Khoa trở thành người thứ hai trong lịch sử chương trình Ai là triệu phú phiên bản Việt chạm tới câu hỏi số 15. Đây có thể coi là quả ngọt mà Trần Đặng Đăng Khoa thu được trong suốt những năm tháng đi khám phá thế giới.

Được sự cho phép của NXB Trẻ, Zing trích đọc một phần câu chuyện của Trần Đặng Đăng Khoa, in trong tập sách 1987+: 30 chưa phải là Tết xuất bản năm 2018, về quyết định kỷ niệm cột mốc tuổi 30 bằng việc lái xe máy đi du lịch vòng quanh thế giới.

Hôm nay đã là ngày thứ 207 từ lúc tôi khởi hành chuyến đi vòng quanh thế giới, bắt đầu ở Sài Gòn, đi băng ngang lục địa Á - Âu, qua 24 quốc gia - vùng lãnh thổ và tạm dừng chân tại Chile để chờ xe tới và tiếp tục hành trình.

Chuyến đi này nói riêng và cả cuộc đời trước nay ngẫm nghĩ lại dường như là một sự sắp đặt có chủ đích của số phận và duyên kiếp này.

Cau chuyen cua Tran Dang Dang Khoa anh 1

Trần Đặng Đăng Khoa và chiếc xe máy đồng hành trên những chuyến đi vòng quanh thế giới. Ảnh: FBNV.

Thành phố nơi tôi đang ở tên là Santiago, đồng thời là tên nhân vật chính trong cuốn sách nổi tiếng - Nhà giả kim - của Paulo Coelho. Đó là cuốn sách đã truyền cảm hứng rất nhiều cho chuyến hành trình này, và có vẻ như tôi cũng đang đi theo bước chân của chàng Santiago để đi tìm kho báu đời mình.

Không biết Santiago "phiên bản lỗi Gò Công" này có tìm được kho báu trong chuyến phiêu lưu này hay không, nhưng mọi dấu hiệu tốt lành của cuộc đời và vận mệnh của tôi đã đưa đến ngày hôm nay, trong cuộc phiêu lưu này.

"Tôi yêu tấm bản đồ vô cùng"

Tôi sinh ra là anh cả trong một gia đình nhỏ miền Tây sông nước lúc chuyển giao giữa năm 1986 và 1987 - thời kỳ khó khăn chồng chất của những đứa trẻ chào đời trong giai đoạn ấy.

Nhớ lại ngày xưa từ lúc sinh ra đến lúc gia đình có một mái nhà đúng nghĩa của nó là tận 16 năm thì tôi và gia đình đã chuyển nhà đi không biết bao nhiêu lần, lúc thì ở nhờ Thánh thất Cao Đài, lúc ở nhờ nhà chùa, rồi nhà nội, nhà ngoại, khu cư xá của cơ quan này, cơ quan nọ. Đó như là điềm báo đầu tiên cho một cuộc đời sẽ phải dịch chuyển không nguôi.

Cau chuyen cua Tran Dang Dang Khoa anh 2

Phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa. Tranh: Đặng Hồng Quân.

Dù gia đình khó khăn, trong tám năm đầu đời khi còn là con trai một trong gia đình, tôi được bố mẹ yêu thương và tạo mọi điều kiện để có thể đến trường như những đứa trẻ khác.

Tôi còn được bố mua cho hoặc đi mượn rất nhiều sách, làm mấy trò đi tìm kho báu để cùng mấy đứa em họ chơi mỗi khi sinh nhật. Tôi được kể nghe nhiều câu chuyện, được dạy đàn, dạy vẽ vì cơ bản bố cũng là nhạc công và thỉnh thoảng cũng đi vẽ thuê hay cắt tỉa trang trí đám cưới.

Nhờ thế, tâm hồn lãng đãng và mơ mộng trong tôi càng lúc càng được vun đắp thêm, rồi cứ hay nghĩ ngợi về những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm, quyến rũ và mê hoặc.

Khi lên cấp hai, mẹ vào làm thủ thư trong thư viện mới khai trương của huyện với một mức lương rất ít ỏi, nhưng đó lại là cơ duyên để tôi có nhiều cơ hội đọc sách hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Khi em trai tôi ra đời được ba hay bốn năm gì đó, bố mang từ đâu một tấm bản đồ thế giới về rồi dán lên để trang trí cho cái tường trống trơ trống hoác. Chỗ đó cũng là giường ngủ và là chỗ tôi bị phạt quỳ gối, úp mặt vào tường mỗi khi hư hỏng.

Tôi hay bị đánh đòn lúc nhỏ vì khi ấy tôi là một thằng nhóc rất nghịch ngợm và ít chịu nghe lời người khác. Rồi ngày qua ngày, sau bao phen phải quỳ gối nhìn tấm bản đồ riết thì tự dưng tôi lại thấy yêu nó vô cùng. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được "đi vòng quanh thế giới", nhưng là đi bằng tưởng tượng.

Cau chuyen cua Tran Dang Dang Khoa anh 3

Tuổi 30 của Trần Đặng Đăng Khoa được kể lại trong cuốn sách 1987+: 30 chưa phải là Tết. Ảnh: NXB Trẻ.

Lúc cấp một, cấp hai thi thoảng tôi cũng được gia đình cho đi tham quan với trường hoặc với hai bên nội - ngoại, lần nào đi qua khỏi cổng khu du lịch cũng xin đi riêng, chạy lòng vòng đầu này, đầu kia, đủ các ngóc ngách rồi tới giờ hẹn lại ra cổng về chứ không chịu đi chung với ai.

Có lần mê chơi, tôi trễ giờ hẹn hai tiếng đồng hồ. Không thấy cậu con trai ra ngoài, nhà nhờ gọi loa thông báo cũng không thấy, cuối cùng bao lâu tôi mới mò ra, làm mọi người hoảng hồn và giận dữ. Lần đó về, tôi bị đánh đòn rất đau.

Tuy nhiên, nhờ lần bị phạt quỳ gối rất lâu ấy mà tôi đã học thuộc được thêm tên và vị trí gần như tất cả các nước ở châu Phi trên bản đồ. Ước mơ được đi khắp nơi trên thế giới bằng chính đôi chân đã dần hình thành trong tôi từ dạo ấy.

Đi vòng quanh thế giới bằng xe máy

Thời gian qua đi, như nhiều cậu học trò khác đồng trang lứa, tôi rời quê nhà lên Sài Gòn đi học, rồi ra trường đi làm hết năm này đến năm khác. Cuộc sống của tôi trôi qua lặng lẽ, có chăng là những ngày cuối tuần hay xách xe lang thang với bạn bè ở gần gần Sài Gòn.

Lâu lâu được nghỉ dài ngày hơn thì tôi đi xa hơn qua các tỉnh khác, rồi đến Tết hay giữa những lần chuyển việc thì đi xuyên Việt, đi qua các nước Đông Nam Á khác.

Lúc ấy, tôi mới nghĩ là sao mình đã đi được xa đến vậy, thì tại sao không lên kế hoạch đi xa hơn nữa, ra khỏi châu Á, qua các châu lục khác hoặc đi một vòng Trái Đất luôn, nhưng sẽ đi với chính chiếc xe máy duy nhất và gắn bó với mình từ trước đến nay?!

Vậy là giấc mơ ngày xưa được tái khởi động và chuẩn bị từng bước một. Kinh nghiệm thì sau nhiều năm tôi đã có, giờ chỉ cần lo vấn đề thủ tục giấy tờ, visa, tìm công việc sẽ làm trên đường để có kinh phí đi lại.

Hơn hai năm trước ngày khởi hành, tôi ngồi tính toán lộ trình, lên kế hoạch sẽ đi nước nào, ngồi nghiền ngẫm các bài viết trên mạng về những người đã đi trước rồi ghi ghi, chép chép, rồi lại mang một đống bản đồ về dán đầy phòng để vẽ vời và ghi chú vào đó.

Hai năm trôi qua, nhiều lúc cứ tưởng phải bỏ cuộc vì có quá nhiều vấn đề phát sinh và không thể đưa ra lời giải đáp cho chính những câu hỏi của bản thân về chuyến đi này.

Vậy mà cuối cùng những vấn đề vướng mắc còn lại cũng được giải quyết, tôi chỉ còn vỏn vẹn hơn ba tháng để chạy nước rút hoàn tất mọi thứ trong các khâu còn lại, từ viết đơn xin nghỉ phép, mua thêm ít đồ dùng hoặc đi mượn cho đỡ tốn, rồi đi sửa xe, thay phụ tùng mới, làm nốt các giấy tờ còn lại, đi xin visa vài nước.

Cau chuyen cua Tran Dang Dang Khoa anh 4

Trần Đặng Đăng Khoa ở Chile. Ảnh: FBNV.

Những ngày cuối trước khi lên đường thì tôi tạm biệt bạn bè, người thân, gia đình vì không biết bao giờ mới được gặp lại. Càng gần tới ngày đi, cứ nghĩ là sẽ rất phấn khởi và hồ khởi vì cuối cùng ngày ấy cũng đã đến.

Nhưng sự thật thì không vậy, cứ nghĩ đến cảnh những ngày sắp tới đi đâu, làm gì cũng chỉ có một mình ở một nơi xa lạ, không người thân thích, không quen biết ai, rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra thì tôi lại lo lắng vô cùng.

Đêm nào tôi cũng nằm mơ, nhiều lần cũng thoáng nghĩ hay là thôi không đi nữa, ở nhà đi làm tiếp, lập gia đình cho xong... Nhưng do khát khao được khám phá thế giới quá lớn, đã tốn quá nhiều công sức và thời gian chuẩn bị cho nó thì không thể bỏ cuộc được.

Vậy là rạng sáng ngày 1/6/2017, tôi rời Sài Gòn về cửa khẩu Mộc Bài ngủ một đêm, để sáng hôm sau nói lời tạm biệt Việt Nam và xin chào thế giới.

Các nhà văn Âu Mỹ viết gì về tuổi trẻ?

Tuổi thanh xuân luôn được ca ngợi là quãng thời gian đáng quý trong đời người bởi nhiều lý do. Thế nên, mỗi nhà văn đã tìm được một cái cớ riêng để viết về nó.

Trích sách "1987+: 30 chưa phải là Tết"

Bạn có thể quan tâm