Thế ba chân
Theo một số nghiên cứu, thị trường các thiết bị chiếu sáng tại Việt Nam được phân chia theo tỷ lệ 60% hàng nội và 40% hàng ngoại. Ở phân khúc cấp thấp là sự đổ bộ của nhiều sản phẩm Trung Quốc. Ở phân khúc trung, cao cấp, doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh với các sản phẩm ngoại của Philips, Osram, Panasonic...
Nhờ vào xuất khẩu và các sản phẩm mới, Điện Quang lại bứt phá. |
Trong phân khúc các loại đèn thông dụng, nhất là compact và huỳnh quang đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa ba tên tuổi Điện Quang, Rạng Đông và Philips. Đây đều là những công ty có thương hiệu lâu đời. Cụ thể, tính đến nay Rạng Đông đã có 53 năm hoạt động, Điện Quang đã bước sang năm thứ 41. Philips là tập đoàn điện tử nổi tiếng thế giới, với bề dày hơn 120 năm.
Ông Alex Ngian, Tổng giám đốc ngành hàng chiếu sáng của Philips, cho biết: "Bóng đèn Philips đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2003 và hiện là đơn vị dẫn đầu ở phân khúc chiếu sáng chuyên dụng". Thực tế, dù xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn so với những tên tuổi cùng ngành nhưng các sản phẩm chiếu sáng của Philips thường được chọn cho các công trình lớn như Nhà hát lớn Hà Nội, Quảng trường Ba Đình, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình... Theo nghiên cứu từ Neilsen Vietnam, bóng đèn Philips nắm giữ khoảng 15% thị phần, chỉ đứng sau Điện Quang và Rạng Đông.
Tuy nhiên, trong 3 năm tới, ông Alex Ngian cho biết: "Mục tiêu phát triển của Philips sẽ là tăng tốc để vươn lên vị trí dẫn đầu thị phần ở Việt Nam". Philips có thương hiệu mạnh, trong top 40 thế giới, lại là đơn vị duy nhất có đầy đủ các sản phẩm và giải pháp chiếu sáng đáp ứng hầu hết nhu cầu về chiếu sáng, nên cơ hội mở rộng thị phần còn nhiều. Nhưng để đạt mức tăng trưởng 30-40% cho mục tiêu dẫn đầu, trong 2014 và các năm tiếp theo, theo ông Alex Ngian, Philips dự kiến sẽ phát triển các sản phẩm đèn trang trí, hệ thống điều khiển chiếu sáng, các dịch vụ chiếu sáng và kiểm soát năng lượng hiệu quả.
Về phần Điện Quang, ưu tiên số một vẫn là mở rộng thị trường trong nước. Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Điện Quang chia sẻ: "Điện Quang có lợi thế nhất ở thị trường nội địa nên chắc chắn sẽ tập trung nguồn lực để tiếp tục mở rộng thị trường nội địa". Điện Quang hiện là công ty có thị phần lớn nhất, ước chiếm 40%. Sản phẩm được biết đến rộng rãi của Điện Quang là đèn compact chống ẩm, đèn compact tiết kiệm điện, bộ đèn Doubewing, đèn LED,... Theo ông Hưng, dòng sản phẩm mới đã góp phần quan trọng trong tăng trưởng của Điện Quang, với tăng trưởng thời gian qua đạt mức 50-100%/năm.
Lợi thế của Điện Quang còn về xuất khẩu. Năm 2013, nhờ nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn sang các quốc gia châu Mỹ La tinh, Trung Á, Nam Á mà doanh thu xuất khẩu tăng trưởng mạnh, từ 89,6 tỷ đồng năm 2012 lên 300,75 tỷ đồng năm 2013, góp khoảng 37% vào tổng doanh thu. Đây là mức tăng rất ấn tượng vì 2 năm trước đó, xuất khẩu chỉ góp khoảng 15% doanh thu của Điện Quang. Sang năm 2014, ông Hưng cho biết, Điện Quang sẽ ưu tiên xuất khẩu sang các thị trường có nhiều điểm tương đồng với thị trường Việt Nam và chưa có thương hiệu nội địa mạnh. Mục tiêu của Điện Quang là từng bước xây dựng hệ thống phân phối tại các thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, Rạng Đông chiếm lĩnh khoảng 25% thị phần bóng đèn cả nước, với các sản phẩm tương tự Điện Quang. Ưu thế của Rạng Đông là các công trình phía Bắc thường sử dụng sản phẩm của Rạng Đông. Đặc biệt, trong giai đoạn 2008-2012, Rạng Đông là đơn vị rất mạnh tay đầu tư. Vì thế, Rạng Đông hiện đứng đầu về năng suất sản xuất, với khả năng sản xuất đèn chiếu sáng là 150 triệu sản phẩm/năm. Đặc biệt, sau khi đầu tư xây dựng lò thủy tinh không chì (Quế Võ, Bắc Ninh), Rạng Đông đã có thể sản xuất được loại thủy tinh cao cấp, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.
Nhờ tự sản xuất ống thủy tinh không chì, công ty giảm bớt một lượng lớn USD nhập khẩu. Từ năm 2011, Rạng Đông đã chủ động sản xuất 100% ống đèn CFL trong khi hầu hết các doanh nghiệp khác ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Nhờ sở hữu lò thủy tinh không chì, Rạng Đông có lợi thế về giá so với các đối thủ Điện Quang và Phillips.
Phân chia thị phần bóng đèn trong nước. Điện Quang vẫn dẫn ngôi đầu, sau đó là Rạng Đông và Philips. |
Ai vượt lên?
Giai đoạn 2008-2012, Rạng Đông được giới phân tích đánh giá là có sức bật đáng kể nhất trong nhóm doanh nghiệp ngành chiếu sáng. Trong khi Điện Quang gặp khó bởi rủi ro xuất khẩu và gần như không đầu tư gì trong giai đoạn này thì từ năm 2008, Rạng Đông liên tục tăng trưởng vượt trội cả về sản lượng, doanh thu lẫn lợi nhuận so với Điện Quang.
Mặc dù vậy, sang năm 2013, tăng trưởng doanh thu của Rạng Đông đã có sự chững lại, còn khoảng 12%, giảm so với mức tăng 17,5% của năm 2012 và 28% của năm 2011. Trong khi đó, nhờ vào xuất khẩu và các sản phẩm mới, Điện Quang lại bứt phá trở lại. Theo báo cáo thường niên, năm 2013, Điện Quang đã có sự thay đổi về nhiều mặt.
Doanh thu của Điện Quang từ năm 2007 đến 2013. |
Năm 2013, Điện Quang đã tung ra thị trường 212 sản phẩm mới, đưa tổng sản phẩm của Điện Quang lên hơn 700. Trong năm 2013, mặc dù doanh thu nội địa nói chung của Điện Quang suy giảm khoảng 8,5% nhưng doanh thu từ các kênh bán hàng cả truyền thống lẫn hiện đại đều tăng. Đặc biệt, độ phủ của các sản phẩm Điện Quang đã tăng 137% so với năm 2012. Như chia sẻ của ông Hồ Quỳnh Hưng, Điện Quang đang nỗ lực để giữ vị thế dẫn đầu độ nhận biết thương hiệu trong ngành thiết bị chiếu sáng. Công ty cũng đã tăng đầu tư trở lại.
Ngoài đầu tư cho công tác nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm mới, năm 2013, công ty đã đầu tư 1 dây chuyền sản xuất vỏ bóng compact công suất lớn tại Xí nghiệp Đèn ống, cải tạo dây chuyền sản xuất bóng đèn FPL tại Chi nhánh Đồng An, lắp đặt thêm 1 dây chuyền lắp ráp đèn compact tại xí nghiệp Ống thủy tinh.
Sang năm 2014, Điện Quang dự định chi khoảng 120 tỷ đồng vào mở rộng nhà xưởng, đầu tư cho sản xuất đèn LED. Với khoản đầu tư ra nước ngoài, nhà máy VietVen (Venezuela) mà Điện Quang tham gia góp 30% vốn dự kiến sẽ nâng công suất từ 12 triệu bóng đèn/năm lên 24 triệu bóng đèn/năm trong năm 2014. Trong tương lai, khi nhà máy này đạt công suất 74 triệu bóng đèn/năm như thiết kế, đây sẽ là nguồn thu ổn định cho Điện Quang.
Dòng sản phẩm được kỳ vọng đem lại tăng trưởng cho Điện Quang là các đèn tiết kiệm và đèn LED. Đèn LED cũng đang là một trong các dòng sản phẩm chiến lược của Rạng Đông, Philips. Ông Alex Ngian cho biết, ngoài đẩy mạnh các sản phẩm tiên phong như T5 và chấn lưu điện tử (tiết kiệm điện đến 25%), thời gian tới Philips sẽ giới thiệu rộng rãi đến thị trường công nghệ LED mới nhất.
Cạnh tranh trong ngành thiết bị chiếu sáng đang là cuôc so kè và chạy đua để nắm ưu thế thị phần đèn LED trong tương lai. Ban lãnh đạo của Rạng Đông đánh giá đèn LED sẽ phát triển nhanh hơn sự phát triển của đèn compact những năm 2000. Hiện tại, Rạng Đông có một xưởng sản xuất đèn LED nhưng vẫn không đáp ứng đủ lượng hàng cho thị trường. Vì thế, Rạng Đông đang lên kế hoạch đầu tư thêm một xưởng sản xuất mới và dự kiến đèn LED sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 10% doanh thu năm 2014 của Rạng Đông.