Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên: Bi thương - hào hùng

Trận chiến ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược ở Vị Xuyên đã lùi xa 30 năm nhưng biết bao nỗi đau thương, trăn trở vẫn còn đó.

Hôm nay 11/7, những cựu binh trở về chiến trường xưa để tưởng niệm đồng đội mình còn nằm lại nơi ấy. 

Những cơn mưa tầm tã tháng 7 của đất Vị Xuyên - nơi được mệnh danh là túi mưa của Hà Giang - cũng không ngăn được bước chân của những người lính tìm về.

Từ TP.HCM, Nghệ An, Yên Bái, Hà Nội... hàng trăm cựu chiến binh ngược lên vùng biên giới Thanh Thủy nơi họ đã chiến đấu trong những năm tháng tuổi trẻ chống quân Trung Quốc xâm lược, nơi máu xương của đồng đội đã hòa với đất đá, bom mìn suốt 30 năm qua. Ngày 12/7 được những người lính của sư đoàn 356 gọi là ngày giỗ trận của sư đoàn. Năm nào họ cũng tự gom góp tiền để quay lại, dù chỉ để thắp nén hương cho đồng đội.

Cựu binh Đặng Vũ Tùng (trái) và Đỗ Quang Huy, nguyên lính trinh sát sư đoàn 356 và phía sau là cao điểm 772, Hà Giang - nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984.
Cựu binh Đặng Vũ Tùng (trái) và Đỗ Quang Huy, nguyên lính trinh sát sư đoàn 356 và phía sau là cao điểm 772, Hà Giang - nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12/7/1984.

Với những người lính sư đoàn 356, những ký ức về ngày 12/7 như những vết dằm nhức buốt trong tim. Cựu chiến binh Trần Ngọc Lợi (đại úy, nguyên trợ lý tác chiến pháo binh sư đoàn 356) bay từ TP.HCM ra Hà Nội rồi chờ chuyến xe để lên Hà Giang. Cùng với thủ trưởng và hai người đồng đội cũ của sư đoàn, ông Lợi sẽ lên Hà Giang ngay trong đêm để kịp tham gia lễ tưởng niệm ở ngã ba Thanh Thủy vào sáng nay 11/7.

- Nhiều năm nay, những người lính của sư đoàn 356 luôn trở về chiến trường xưa Hà Giang vào ngày 12/7. Ngày này có ý nghĩa như thế nào đối với riêng ông và những đồng đội cũ ở sư đoàn?

"Hằng năm chúng tôi lên nghĩa trang cũng để tỏ lòng tri ân cán bộ chiến sĩ của sư đoàn đã hi sinh ở Vị Xuyên. Trong lòng vẫn còn nhiều trăn trở, còn nhiều người nằm lại mà chưa được quy tập về nghĩa trang. Muốn có một nấm mộ cho họ để thắp hương cũng không có. Thứ hai, do chiến tranh và đặc biệt hoàn cảnh lúc bấy giờ, nên khi ra về chẳng ai nghĩ đến việc giữ lại giấy tờ. Nhiều anh em thương binh mất hết giấy tờ nên không làm được chế độ gì. Đó là hai điều mà tôi trăn trở nhất"

Đại tá Nguyễn Đức Cam (nguyên sư đoàn phó, tham mưu trưởng sư đoàn 356).

- Ông Trần Ngọc Lợi: Sau khi sư đoàn lật cánh từ Lào Cai sang Thanh Thủy (Hà Giang), phối hợp với sư đoàn 313 để đánh nhằm đẩy lùi quân địch về bên kia biên giới, sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ đánh chính, là đơn vị cửa mở. Ngày 1/6/1984 một trận đánh nhỏ đã nổ ra nhưng không thành công. Bộ tư lệnh quân khu và cấp trên quyết định lấy ngày 12/7/1984 là ngày tấn công tổng lực, là ngày sư đoàn dốc toàn lực để giành lấy các cao điểm 685, 1509, 772, 1030. Trong thế trận địch ở trên núi, ta ở dưới các chân núi, trận đánh diễn ra hết sức khốc liệt. Ta đã giành lại được điểm cao 772 và 685 nhưng sự hi sinh của anh em chiến sĩ sư đoàn vô cùng to lớn. Hàng trăm người chủ yếu thuộc sư đoàn 356 đã ngã xuống lúc 3h sáng 12/7.

30 năm đã qua, rất nhiều trong số hàng trăm đồng đội của chúng tôi nằm lại ở các cao điểm vẫn chưa được trở về với gia đình.

Năm 1988, sư đoàn giải thể, không còn phiên hiệu trong Quân đội nhân dân Việt Nam nữa. Bây giờ các anh em thương binh muốn làm chế độ chính sách không ai chứng nhận nữa. Rất nhiều người không biết về cuộc chiến ở Hà Giang.

Cao điểm 772, Hà Giang - nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984.
Cao điểm 772, Hà Giang - nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12-7-1984.

- Thưa ông, làm cách nào để có thể tưởng nhớ những người lính của sư đoàn 356 một cách thiết thực nhất?

- Chúng tôi mong muốn Bộ Quốc phòng có chính sách tổ chức tìm lại hài cốt của cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay có rất nhiều xương cốt của anh em đồng đội trên đó. Ai tự phát thì đi tìm thôi, nhưng tìm ở đâu. Phải có sự trợ giúp của Nhà nước để yên lòng các bà mẹ, các bà vợ. Bao nhiêu năm nay họ buồn lắm. Con mình, chồng mình nằm trong đất của mình mà không thể tìm được.

Chừng ấy nghĩa trang nhưng có những nấm mồ có gì đâu, có tên nhưng không có người. Chúng ta có thể tìm mộ các chiến sĩ từ thời chiến tranh chống Mỹ, còn chiến tranh chống Trung Quốc gần hơn thì không làm được. Ngày đó, phía trước là trận tuyến chết chóc, phía sau là thị xã Hà Giang yên ả, hòa bình. Người lính bước chân khỏi thị xã để lên trận tuyến đánh quân thù không dễ đâu. Họ biết có thể ngày mai sẽ hi sinh nhưng họ vẫn làm, họ vẫn đi.

Đại úy Trần Ngọc Lợi.
Đại úy Trần Ngọc Lợi.

- Lịch sử dường như có sự lặp lại khi đất nước chúng ta liên tiếp phải đối diện với những hành động gây hấn từ trên bộ đến trên biển. Với tư cách là những người đã tham gia trận chiến bảo vệ biên giới 30 năm về trước, ông có suy nghĩ như thế nào khi theo dõi những câu chuyện thời sự bây giờ?

- Trong lịch sử hàng ngàn năm, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng dã tâm đối với nước ta. Nếu chúng ta không nói với thế hệ trẻ về lòng yêu nước thì làm sao bảo vệ đất nước. Và muốn giáo dục thì việc đầu tiên là phải nói thật với thế hệ trẻ về lịch sử đất nước, kể cả bi thương lẫn hào hùng, không thể che giấu được.

- Sư đoàn 356 nguyên gốc là sư đoàn 316B được thành lập vào cuối năm 1974 để làm lạc hướng quân địch. Kết thúc chiến tranh, sư đoàn 356 chuyển sang làm kinh tế, tham gia xây dựng đường tàu Thống Nhất, làm kinh tế mới ở Quế Phong (Nghệ An). Đến tháng 2/1979, Trung Quốc tấn công ở biên giới, sư đoàn chuyển sang làm huấn luyện chiến đấu và được điều từ Nghệ An ra Lào Cai để bảo vệ biên giới phía Bắc.

Từ năm 1984, quân Trung Quốc lấn sâu vào cao điểm 772, 1509, 1030 và 685 (thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang). Đơn vị được điều lên làm nhiệm vụ đánh đẩy lùi quân địch để bảo vệ biên giới.

- Dự kiến có khoảng 1.000 cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ sẽ có mặt tại Hà Giang để tham dự lễ kỷ niệm của sư đoàn 356. Sáng 11/7, các cựu chiến binh và thân nhân thắp hương tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở ngã ba Thanh Thủy.

Tiếp đó, sẽ làm lễ tại cây hương tưởng niệm những liệt sĩ hi sinh nhưng chưa quy tập được hài cốt. Đây là công trình do chính các cựu chiến binh sư đoàn 356 tự góp tiền xây dựng. Sáng 12-7 sẽ diễn ra lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc tại nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang).

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/617361/tran-chien-bao-ve-bien-gioi-vi-xuyen-bi-thuong-hao-hung.html

Theo Hà Hương/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm