Theo đó, gần 25 triệu cổ phiếu TAG, tương đương giá trị cổ phiếu hủy niêm yết (theo mệnh giá) gần 250 tỷ đồng sẽ được giao dịch cuối cùng tại HNX vào ngày hôm nay 14/9. Đến ngày 17/9, TAG chính thức bị hủy niêm yết. Lý do Trần Anh hủy niêm yết là nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược, tái cơ cấu lại công ty.
Trước đó, cổ phiếu TAG bị đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 25/6 do tổng lỗ trong năm 2017 mà Trần Anh ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh là xấp xỉ 63 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối tháng 3/2018 là gần 54 tỷ đồng. Đây là năm lỗ đầu tiên của Trần Anh trong vòng 10 năm qua.
Hôm nay (14/9) là phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu TAG. |
Sang đến quý đầu tiên của niên độ tài chính 2018 - 2019, các chỉ tiêu kinh doanh của Trần Anh vẫn đi xuống. Cụ thể, doanh thu bán hàng đạt 981 tỷ đồng, giảm hơn 7%; giá vốn bán hàng chiếm tới hơn 88% doanh thu khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ còn 107 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lỗ quý đầu tiên trong kỳ kế toán này mà Trần Anh ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh là xấp xỉ 6 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2018, lỗ lũy kế của công ty tiến sát mức 60 tỷ đồng.
Giải trình về sự sụt giảm nói trên, Tổng giám đốc Trần Anh - ông Võ Hà Trung Tín, nhận định, do thương vụ mua bán - sáp nhập vào Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ), “nhà cung cấp có sự thay đổi làm ảnh hưởng đến chủng loại, số lượng cung ứng hàng hóa, cũng như tâm lý của người tiêu dùng thay đổi, tác động đến tiêu thụ sản phẩm làm giảm doanh thu”.
Cụ thể, tháng 8 năm ngoái, TGDĐ đã hoàn tất thương vụ M&A với công ty Trần Anh với tỷ lệ sở hữu là 99,27%. Sau đó, HĐQT Trần Anh đã chính thức thông qua phương án mua lại cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông khi công ty thực hiện hủy niêm yết.
Trên thị trường chứng khoán, TAG gần như mất thanh khoản do cơ cấu cổ đông quá cô đặc. Thị giá dừng ở mức 34.900 đồng/cổ phiếu.
Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên 2018, ban lãnh đạo Trần Anh không công bố mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Công ty chỉ cho biết sẽ để TGDĐ thuê lại hoặc hợp tác kinh doanh một phần hoặc toàn bộ 35 cửa hàng điện máy. TGDĐ được toàn quyền triển khai hoạt động bán lẻ tại các cửa hàng này và thanh toán tiền mặt bằng, phí sử dụng thương hiệu “Trần Anh” và đảm bảo doanh thu cho thuê lại hoặc thu nhập từ hợp tác kinh doanh sẽ cao hơn mức giá thuê hiện tại.
Để phục vụ kế hoạch này, HĐQT Trần Anh xin ý kiến cổ đông đăng ký bổ sung hai ngành nghề là kinh doanh bất động sản và cho thuê tài sản vô hình phi tài chính.