Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trăm năm Nobel: Những góc nhìn

Tủ sách "Trăm năm Nobel" vừa ra mắt 4 ấn phẩm: "Thi khúc & Thi phẩm", "Lịch sử La Mã", "Tội ác của Sylvestre Bonnard" & "Đảo chim cánh cụt", "Tuyển tập kịch của Jacinto Benaven".

Tu sach Tram nam Nobel anh 1

4 tựa sách đầu tiên trong Tủ sách Trăm năm Nobel vừa ra mắt - Ảnh: Đông A.

Những giá trị đầu thế kỷ XX

4 ấn phẩm đầu tiên trong Tủ sách Trăm năm Nobel được xuất bản vào những năm đầu thế kỷ XX. Nhà thơ Pháp Sully Prudhomme (1839 - 1907) là người đầu tiên trở thành chủ nhân của giải thưởng văn chương danh giá này vào năm 1901. Thi khúc & Thi phẩm là tập thơ đầu tay của ông. Tác phẩm gồm 103 bài thơ, được chia thành 2 phần: Stances (Thi khúc) và Poèmes (Thi phẩm).

Trong khi đó, Lịch sử La Mã (bộ sách gồm 5 tập, bản tiếng Việt tập 1 vừa xuất bản tại Việt Nam) là công trình của nhà nghiên cứu sử học Theodor Mommsen. Dịch giả Nguyễn Quí Hiển - người chuyển ngữ tác phẩm - cho biết tuy Mommsen là giáo sư nghiên cứu, bộ sách này ông hướng đến đối tượng độc giả đại chúng, không chỉ dành riêng cho giới hàn lâm. Lịch sử La Mã được Mommsen viết về khởi thủy của Roma đến khi đế quốc La Mã bị chia cắt 2 nửa thành Đông và Tây (vào thời hoàng đế Diocletianus, năm 305).

Riêng tiểu thuyết Tội ác của Sylvestre BonnardĐảo chim cánh cụt (Anatole France, Nobel Văn học 1921) được đơn vị chọn chuyển ngữ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày nhà văn được trao giải Nobel. Đây cũng là 2 tác phẩm tiêu biểu cho 2 thời kỳ sáng tác của Anatole France, tiểu thuyết được đánh giá ở văn phong tao nhã, châm biếm nhẹ nhàng. Và Tuyển tập kịch của Jacinto Benavente gồm 5 vở: Thống đốc phu nhân, Đóa hồng giữa thu, Những ràng buộc lợi ích, Hoàng nữ bé con, Đứa con trái duyên.

Các vở kịch của Benavente lấy bối cảnh ở thành phố Madrid với tầng lớp thượng lưu - tầng lớp hào nhoáng bên ngoài nhưng mục ruỗng bên trong. Các tác phẩm cũng thể hiện tinh thần tự do, đấu tranh cho giới nữ và tôn vinh phụ nữ. Ấn bản tiếng Việt còn có thêm 15 bức tranh minh họa của họa sĩ Lê Trí.

4 tác phẩm được in theo quy cách của ấn bản giới hạn, hình thức đẹp, tôn vinh những giá trị văn chương đầu thế kỷ XX. Việc đầu tư đưa các tác phẩm Nobel văn chương của những tác giả gần như chưa được biết đến tại Việt Nam là một lựa chọn khá mạo hiểm của Đông A, nếu xét về mặt kinh doanh.

Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân - biên tập viên của Công ty sách Đông A - thừa nhận rằng thơ, kịch không còn là thể loại thịnh hành, được yêu thích đối với thị hiếu đọc hiện nay. Tuy nhiên, bước đi mở đầu này của đơn vị đã mở cánh cửa cho bạn đọc nhiều thế hệ đến với kho tàng văn chương Nobel trăm năm qua vẫn còn ẩn giấu.

Tác phẩm Nobel có khó đọc?

Hơn một thế kỷ qua, giải Nobel Văn chương đã trao cho hơn 100 nhà văn lớn trên thế giới. Trong đó, nhiều nhà văn đoạt giải Nobel có tác phẩm đã được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam: Siddhartha (Herman Hesse, tác giả đoạt giải Nobel Văn học năm 1946), Bác sĩ Zhivago (Boris Pasternak, Nobel Văn học năm 1958), Sông Đông êm đềm (Mikhail A.Sholokhov, năm 1965), Đẹp và buồn, Cố đô (Kawabata Yasunari, 1968), Chúa ruồi (William Golding, 1983), Trăm năm cô đơn (Gabriel G.Márquez, 1985), Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng (Orhan Pamuk, 2006), Trốn chạy (Alice Munro, 2013)…

Bên cạnh một thị phần độc giả lựa chọn tiếp cận với các tác phẩm văn học của các tác giả đoạt giải Nobel, vẫn có một bộ phận độc giả lo ngại và bày tỏ rằng tác phẩm Nobel “khó đọc”. Và vì vậy tạo nên một góc nhìn đại chúng là tác phẩm Nobel kén độc giả.

Về điều này, anh Đỗ Quốc Đạt Nhân cho rằng có phần đúng, lý do là thể tài của các tác phẩm quá rộng, nhiều tác giả đoạt giải Nobel đầu thế kỷ XX còn khá xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cũng cho rằng đang tồn tại một góc nhìn phiến diện về giải Nobel Văn học, cả về giá trị, sức lan tỏa cũng như mức độ “khó đọc” của các tác phẩm này.

“Không thể phủ nhận Nobel Văn học là giải thưởng danh giá, được quan tâm nhất trong số các giải thưởng văn chương thế giới. Có nhiều tác giả - tác phẩm được trao giải giá trị không phải bàn cãi, nhưng cũng có những trường hợp giải Nobel gây không ít tranh cãi. Và qua các giải thưởng được trao, có thể thấy rằng rất ít tác phẩm đại chúng được xem xét, trao giải Nobel. Nhiều nhà văn tên tuổi, được thế giới yêu thích, nhưng dù trải qua nhiều năm được đề cử vẫn không được vinh danh.

Cùng giải Nobel, thế giới còn có rất nhiều giải thưởng văn chương khác, và chính những giải thưởng này sẽ cho chúng ta bức tranh đầy đủ hơn về văn chương thế giới” - dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhận định. Về việc “tác phẩm Nobel khó đọc”, ông cũng cho rằng đó là góc nhìn không bao quát hay có tính đại diện cho thị hiếu chung. Sông Đông êm đềm (Mikhail A.Sholokhov), Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro), Của chuột và người (John Steinbeck), Trên sa mạc và trong rừng thẳm (Henryk Sienkiewicz)… đều là những tác phẩm của các nhà văn từng được trao giải Nobel Văn chương, rất được bạn đọc yêu thích, đón nhận.

Tiếp cận với các tác phẩm văn chương thế giới có giá trị để nâng cao thẩm mỹ tiếp nhận và giá trị ngôn từ, mỹ cảm, chính là điều mà bất kỳ người yêu sách nào cũng nên để tâm đến. Tâm lý ngại vì “khó đọc” vô hình trung trở thành rào cản cho độc giả, khiến họ không dám bước vào khám phá những giá trị kinh điển. Đối với dịch giả, việc chuyển ngữ một tác phẩm văn chương Nobel cũng là cả một quá trình dài thách thức, không chỉ cần khả năng ngôn ngữ, mà còn cần phải có nền tảng văn hóa, am hiểu nhiều lĩnh vực và vốn trải nghiệm, hiểu biết sâu rộng của bản thân.

Ẩn sau một cụm từ trong nguyên tác có thể là một câu chuyện của văn hóa, tôn giáo của các cộng đồng, quốc gia trên thế giới. Đọc để hiểu biết, để học hỏi, tìm kiếm và khám phá những giá trị tiềm ẩn từ các tác phẩm Nobel Văn học, mà Tủ sách Trăm năm Nobel đã mở ra trước mắt người đọc một con đường.

Tôn vinh giá trị văn chương qua tủ sách Trăm năm Nobel

Tủ sách Trăm năm Nobel mới được công bố bao gồm tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel Văn học với hình thức trang trọng.

'Hiệp sĩ Thánh chiến' lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam

Sau 30 năm miệt mài, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã hoàn thành việc chuyển ngữ tác phẩm kinh điển "Hiệp sĩ Thánh chiến" của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz, Nobel Văn học năm 1905.

https://www.phunuonline.com.vn/tram-nam-nobel-nhung-goc-nhin-a1480747.html

Lục Diệp / Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh

Bạn có thể quan tâm